Nét đẹp Tết Thanh minh của người Tày, Nùng Cao Bằng
09:55 AM 29/03/2017 | Lượt xem: 3577 In bài viết |Cứ dịp đầu tháng 3 âm lịch, người dân Cao Bằng lại nô nức sắm sửa mâm cỗ, vàng hương… để tổ chức Tết Thanh minh, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã khuất.
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng tổ chức Tết Thanh minh vào 3/3 âm lịch. Tuy nhiên, đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng không ăn bánh trôi, bánh chay như người Kinh, món ăn đặc trưng nhất trong dịp Tết này là món xôi “đăm đeng”. Xôi “đăm đeng” tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen. Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, trắng, vàng. Xôi được nhuộm bằng lá cẩm, lá cây sau sau, nghệ, gấc… nên màu sắc rất đẹp mắt, ăn ngon và rất an toàn. Ngoài ra, Tết Thanh minh còn nhiều món khác như thịt gà, măng kẹp thịt, đậu phồng nhồi thịt, cá rán…
Cầu nguyện, mời vong linh người đã khuất về ăn cỗ.
Ở thành phố Cao Bằng và một vài nơi khác, người dân không nhất thiết đi tảo mộ đúng ngày 3/3, mà có thể chọn một ngày đẹp trời dịp đầu tháng 3. Còn ở các huyện, người dân thường đi tảo mộ đúng ngày 3/3. Trong ngày này tất cả các tuyến đường trong tỉnh đều nhộn nhịp xe cộ, mọi nhà đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ để tỏ lòng hiếu kính. Chị Hoàng Thị An, ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, dù đi lấy chồng cách quê nhà gần 1.000 km, nhưng năm nào cũng đưa chồng, con về quê tảo mộ. Chị tâm sự: “Người ta bảo rằng, cả năm chỉ có dịp Thanh minh là ông bà, cha mẹ và những người chết được về, được gặp mặt con cháu. Lúc ấy, con cháu có thể cầu khấn để ông bà, cha mẹ phù hộ độ trì. Thế nên dù ở xa, đi lại vất vả nhưng tôi vẫn cố về để được thắp cho cha mẹ nén hương, vừa tỏ lòng hiếu kính, vừa được ông bà phù hộ cho sức khỏe, công việc thuận lợi".
Mỗi ngôi mộ đều cắm một cây nêu với chùm hoa cắt bằng giấy rất đẹp.
Tết Thanh minh là một nét văn hóa đặc sắc của người Tày, Nùng Cao Bằng. Ban đầu chỉ có người Cao Bằng tổ chức. Về sau, những người Kinh ở miền xuôi lên Cao Bằng sinh sống cảm nhận nét đẹp văn hóa tục lệ này cũng hưởng ứng, tổ chức Tết Thanh minh, đi tảo mộ giống như người Cao Bằng. Trong ngày này, người dân thường đến mộ từ sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ, vệ sinh khu mộ, sau đó kính cẩn thắp hương lên phần mộ gia đình, thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh rồi bày cỗ, rót rượu khấn mời người đã khuất về ăn cỗ.
(Theo: Quốc Đạt - baotintuc.vn/dantoc)