Than Uyên phục dựng lễ hội “Gầu Tào”

08:48 AM 02/02/2023 |   Lượt xem: 2990 |   In bài viết | 

Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu và Chủ tịch tỉnh Lai Châu tặng quà chúc tết UBND huyện Than Uyên và xã Tà Mung.

“Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”, hoặc được hiểu là “Hội chơi núi mùa Xuân” để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, những gia đình người Mông luôn được ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch địa phương, huyện Than Uyên đã triển khai tìm lại và phục dựng những điệu hát, múa, những trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông, với mong muốn bảo tồn và gìn giữ cho muôn đời sau.

Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu dự chương trình phục dựng Lễ hội “Gầu tào” của huyện Than Uyên

Theo đó, tiến trình lễ hội diễn ra có hai phần: Phần lễ bao gồm các nghi thức cúng tế thần linh; phần hội bao gồm các hoạt động như hát, múa và các trò chơi dân gian.

Trước khi diễn ra Lễ hội “Gầu tào” là nghi lễ Khai hội. Ông chủ lễ phải là người có uy tín, có nhiều am hiểu về những văn hóa cổ truyền của người Mông và được bà con trong các thôn bản tín nhiệm.

Bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu giao lưu cùng đồng bào

Khi tiến hành nghi lễ Khai hội, ông chủ lễ sẽ thắp hương và khấn xin thần linh cho phép mở hội. Lời bài khấn có đoạn: “Trên mảnh đất linh thiêng này, chúng tôi dâng tiền bạc tới thần linh, xin thần linh phù hộ cho chúng tôi có con trai đông như đàn gà, có con gái đông như đàn vịt, không có ốm đau, bệnh tật, cả năm nhà nhà có thóc đầy kho, ngô đầy bồ, gia súc gia cầm khỏe mạnh không có dịch bệnh… Hôm nay là lành tháng tốt, trên mảnh đất thiêng này, dân bản chúng tôi đến để dựng cây nêu xin mở hội Gầu tào”.

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch tỉnh Lai Châu trò chuyện cùng các em nhỏ đồng bào Mông

Sau nghi lễ Khai hội là nghi thức hát mở màn, với bài hát: “Hán ăn Tết - Mông ăn Tết” và bài “Lý mở hội”.

Những trò chơi dân gian và điệu hát, múa khá đặc sắc thường diễn ra trong lễ hội “Gầu Tào” như: múa khèn Mông, hát ống, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá, kéo nhị, ném pao, nhảy dây pao, rồng ấp trứng, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, đánh cù…

Ông chủ lễ thực hiện nghi thức cúng tế thần linh xin được Khai hội

Chị Lù Thị Sinh - người Mông ở bản Hô Ta, xã Tà Mung (huyện Than Uyên) xúng xính dẫn con đi xem hội, phấn khởi chia sẻ: Đây là lần đầu tiên Lễ hội Gầu Tào được tổ chức lớn. Bà con trong bản đã cùng nhau tập luyện thổi khèn, khèn lá, hát đối giao duyên, hát dân ca và khâu những quả pao, làm khèn Mông … từ cách đây hàng tháng, hôm nay được cùng nhau tổ chức và vui chơi mình vui lắm.

Khi thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành phục dựng lễ hội này, Ban Tổ chức đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng được sự đồng thuận của chính quyền địa phương và khao khát mong mỏi của đồng bào, mà tiến độ thực hiện phục dựng diễn ra khá thuận lợi.

Những người hát hội xòe ô đi vòng quanh gốc nêu, vừa đi vừa hát: “Vải lanh tung bay gọi, người Mông mình về đây nhé. Về đây ta cùng thổi bài khèn, cái lý người Mông…”

Nhạc sĩ, đạo diễn Lê Minh Cừ là người đã dành nhiều tâm huyết trực tiếp cùng Ban Tổ chức phục dựng Lễ hội “Gầu tào”, chia sẻ: Do lịch sử di cư cùng những khó khăn về kinh tế khiến nhiều người dân ở đây không còn nhớ được những điệu lý, điệu hát, múa, những trò chơi dân gian và ý nghĩ của những công đoạn trong thực hành nghi lễ. Chúng tôi phải nghiên cứu, khảo tả bằng nhiều tài liệu còn lưu trữ ở những thư viện lớn cùng với thực tiễn; sau đó kết hợp cùng nghệ nhân của các địa phương để hướng dẫn lại cho cho bà con. Đồng bào rất háo hức và phấn khởi kết hợp cùng thực hiện, cho nên trong khoảng 1 tháng là hoàn thiện được lễ hội này, nhanh hơn dự kiến ban đầu.

Tiếng khèn Mông trong Lễ hội Gầu tào luôn mang một ý nghĩa tỏ tình và thề hẹn yêu đương

Ông Lò Văn Hương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên chia sẻ: chúng tôi mong muốn các trò chơi dân gian và những phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông nói riêng và tất cả các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Than Uyên và tỉnh Lai Châu nói chung, sẽ được tiếp nối không chỉ diễn ra trong lễ hội, mà trong đời sống thường nhật, các không gian văn hóa, tạo tiền đề phát triển du lịch cho địa phương, hấp dẫn du khách gần xa.

Một số hình ảnh tại Lễ hội

Các đôi trai gái cùng nhau chơi ném pao vừa để vui, vừa để tìm kiếm bạn đời tương lai

Trò chơi nhảy dây Pao thử thách người chơi cần tinh mắt và thật sự khéo léo để không bị mắc vào dây pao, quả pao quay đều mà không bị rơi xuống

Hát ống là loại hình văn nghệ được nam nữ thanh niên người Mông rất yêu thích

Hai người hát ống thường là 1 nam, 1 nữ đứng ở hai đầu ống hát cho nhau nghe, những bài hát mang âm sắc vui tươi

Thổi khèn và hát giao duyên, hay còn gọi là hát “Gầu plềnh” do những đôi nam nữ thường trao cho nhau hững lời tỏ tình và hẹn ước

Người Mông rất giỏi thổi kèn lá, họ sử dụng nhiều loại lá cây trên đường lên nương, xuống ruộng, khi về nhà chia sẻ tâm tư trong lòng mình

Người Mông hay kéo nhị khi “có tâm sự buồn” như thất tình, hoặc nhớ thương người yêu… Trong Lễ hội Gầu tào, họ thường kéo nghị để thổ lộ với người phụ nữ mà mình “thầm thương trộm nhớ” từ lâu

Trò chơi đẩy gậy, tương tự như môn thể thao quần chúng có cùng tên gọi. Nhưng gậy đẩy của người Mông thường ngắn hơn trong trò chơi của các nhóm dân tộc khác

(baodantoc.vn)