Phát huy hiệu quả tổ bảo vệ rừng thôn bản
10:11 AM 23/03/2017 | Lượt xem: 4661 In bài viết |Thời gian qua, tại nhiều thôn bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các tổ xung kích chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng ở thôn bản đã góp phần phát huy tinh thần chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng ở địa phương.
Từ đó, ý thức về bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực có rừng ở Lai Châu được nâng lên, gắn cuộc sống của họ với sự sống của rừng.
Bản Nhiều Sang thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu nằm dưới chân núi Hoàng Liên có nhiều cánh rừng già. Bản có 54 hộ là đồng bào dân tộc Dao; tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 20%. Thời gian qua, nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đời sống của đồng bào dân tộc Dao đã bớt khó khăn. Từ năm 2015, tổ xung kích chuyên trách bảo vệ rừng của bản đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả tích cực. Vào mùa khô, hầu như hộ nào cũng có một người là thành viên trong tổ để trực rừng khi tới phiên. Bản Nhiều Sang quy định khi đốt nương phải chờ lửa tắt mới được ra về. Nhờ phân công cụ thể công việc cho từng thành viên bảo vệ rừng mà 10 năm trở lại đây, những cánh rừng tại bản đã không xảy ra cháy. Năm 2015, cả bản Nhiều Sang được trả hơn 120 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Anh Lù A Gôn, bản Nhiều Sang cho biết, người dân trong bản đã được phổ biến về quy chế hoạt động của tổ bảo vệ rừng; người dân trong bản ai cũng làm theo. Cán bộ ở xã, huyện đến bản để tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách phát rừng đúng cách, cách làm đường băng cản lửa...
Ông Lù A Đâu, Trưởng bản Nhiều Sang chia sẻ: Bản có quy chế rõ ràng đối với người dân trong bản cũng như những việc mà Tổ bảo vệ rừng đảm nhiệm. Chẳng hạn, đốt nương rẫy thì phải đốt lúc sáng sớm, lửa tắt mới được về, chiều không được đốt nương. Tổ bảo vệ rừng mỗi ngày có 3 - 4 người cùng đi kiểm tra và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng. Nhìn chung, dân bản Nhiều Sang đều thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng.
Đến nay, tỉnh Lai Châu đã thành lập được hơn 960 tổ chuyên trách bảo vệ rừng tại các thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, lập được 25 chốt canh gác rừng. Một số tổ bảo vệ rừng đã xây dựng quy chế hoạt động rất cụ thể như: Nếu hộ gia đình không tham gia kiểm tra rừng, trực chốt gác, lần đầu sẽ bị trừ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng vào cuối năm; lần thứ 2 không tham gia mức trừ sẽ tăng thêm và nếu không tham gia lần thứ 3, bản sẽ loại khỏi danh sách được hưởng tiền dịch vụ rừng. Nhiều bản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, các hành vi vi phạm ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, có bản còn xử lý theo quy ước, hương ước của bản. Các mô hình quản lý rừng cộng đồng bản dần được hoàn thiện về mặt quản lý, tổ chức, hoạt động. Đặc biệt, ở nhiều địa phương như huyện Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên, người dân đã chủ động sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng để mua cây giống trồng rừng, làm giàu từ rừng.
Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết: Tại Lai Châu hiện có trên 429 nghìn ha rừng được người dân tập trung bảo vệ. Để thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phù hợp với đặc thù địa phương, tỉnh đã thực hiện việc khoán bảo vệ rừng với cộng đồng thôn bản. Theo đó, các thôn bản thành lập tổ chuyên trách để quản lý bảo vệ rừng, mỗi hộ trong thôn bản cử ít nhất có 1 thành viên tham gia tổtổ bảo vệ rừng thôn bản . Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà thôn bản nhận được sẽ được trích ra để chi cho hoạt động của tổ, trang bị thêm một số vật dụng phục vụ như dao phát, đèn pin, trang bị bảo hộ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng...
(Theo: Quang Duy - TTXVN)