Dạy song ngữ để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số

07:44 PM 22/12/2017 |   Lượt xem: 6587 |   In bài viết | 

Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ là chủ đề chính của hội thảo, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), Aide et Action Việt Nam (AEA), Viện Tư vấn Phát triển kinh tế - xã hội - nông thôn và miền núi (CISDOMA) đồng tổ chức.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”, được triển khai trong ba năm (2016-2018), do Liên minh châu Âu tài trợ.

Hơn 18 tháng qua, dự án được triển khai tại ba xã: Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há và huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), thí điểm áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ huynh cùng các em vào hoạt động giáo dục, thông qua các chương trình: Tuần lễ giáo dục toàn cầu, giờ sinh hoạt ngoại khóa tại trường và các cuộc sinh hoạt chi hội phụ huynh mở rộng hằng tháng. Hơn nữa, dự án cũng đẩy mạnh công tác truyền thông vận động đối với các nhà hoạch định chính sách tại cấp địa phương và quốc gia để chia sẻ, nhân rộng những thực hành tốt của dự án.

Ông Hà Đức Đà, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (VNIES) chia sẻ: “Tính ưu việt của phương pháp này là sử dụng hai ngôn ngữ trong giáo dục, trong đó, tiếng mẹ đẻ là cơ sở và nền tảng ban đầu, giúp các em vượt qua rào cản ngôn ngữ để có thể tiếp cận tiếng Việt, kiến thức khoa học thuận lợi, dễ dàng hơn”.

Tuy nhiên, có không ít khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chính sách dạy và học tiếng dân tộc hay giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy vốn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số, vẫn còn nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác này; một số nơi còn lơ là trong giảng dạy tiếng dân tộc trong nhà trường; nhiều nơi còn bỏ dở, nửa vời trong việc biên soạn sách học cho trẻ.

Ngoài ra, một số cấp ủy, cấp chính quyền chưa nhận thức đẩy đủ, chủ yếu vẫn là vấn đề thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc. Hiện nay, các trường sư phạm trên cả nước chưa có trường nào thành lập khoa đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Thêm nữa, đội ngũ quản lý biết ít hoặc không biết tiếng dân tộc, gây khó khăn trong việc dự giờ, thăm lớp; đội ngũ giáo viên thiếu nhiều so với nhu cầu mở lớp, chưa được chuẩn hóa trình độ đào tạo; công tác bồi dưỡng giáo viên chưa được quan tâm đúng mực; việc kiểm tra đánh giá chưa thường xuyên.

Bên cạnh đó, phương tiện, đồ dùng dạy học, các tài liệu phục vụ dạy và học còn thiếu; học sinh nhiều nơi không có sách giáo khoa và do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy chuẩn được các thiết bị dạy - học tiếng dân tộc thiểu số, nên phần lớn giáo viên không có đồ dùng, tranh ảnh để giúp học sinh tiếp thu bài giảng.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em người dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ, áp dụng phương pháp giáo dục sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt trong việc dạy và học tại trường, dự án đã xây dựng thí điểm bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Mông.

Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn, được giáo viên địa phương ở các trường mầm non và tiểu học huyện Tam Đường sáng tác, biên soạn. Những câu chuyện ấy phản ánh được cuộc sống hằng ngày của trẻ em và cộng đồng người Mông tại Lai Châu; được lồng ghép vào chương trình sinh hoạt ngoài giờ lên lớp của trẻ với sự hỗ trợ điều hành của các thầy, cô giáo có kỹ năng chuyên môn tốt về sử dụng phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm.

Phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm khuyến khích trẻ tham gia một cách chủ động vào quá trình học tập, khác hơn với trước đây học sinh thường bị động trong lớp và đều do giáo viên chỉ định. Phương pháp này được sử dụng trong quá trình dạy và học bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, được chứng minh có hiệu quả trong việc cải thiện tỷ lệ chuyên cần, chất lượng học tập của trẻ em dân tộc thiểu số.

(nhandan.com.vn)