Phát triển giáo dục vùng đồng bào Khmer

03:36 PM 14/06/2016 |   Lượt xem: 4401 |   In bài viết | 

Tạo điều kiện tốt nhất để con em đồng bào Khmer học tập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, 5 năm trở lại đây, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên vùng tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống được đầu tư, xây dựng để phục vụ tốt nhu cầu dạy và học. Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên.

Toàn tỉnh có hơn 39.700 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 12% tổng số học sinh phổ thông và 1.292 giáo viên dân tộc thiểu số. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh và chăm lo đời sống giáo viên đúng theo quy định, để các thầy, cô an tâm giảng dạy.

Lớp học Khmer ngữ tại chùa Nha Si Cũ xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng.

Nhờ vậy, tỷ lệ huy động học sinh dân tộc Khmer từ 6 - 14 tuổi đến trường ngày càng cao, năm học 2015 - 2016 đạt trên 96%, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 98,7% tốt nghiệp trung học cơ sở và trên 90% tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh xét cử tuyển 285 học sinh dân tộc thiểu số học bậc đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp; trên 300 học sinh được xét học dự bị đại học.

Cùng với đó, tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú tại thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và 3 huyện Giang Thành, Châu Thành, An Biên, với tổng số 1.420 học sinh theo học. Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện An Biên đang xây dựng, tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, quy mô 8 lớp, với 200 học sinh; dự kiến đưa vào giảng dạy trong năm học 2016 - 2017.

Hiện Kiên Giang có 35 trường phổ thông dạy chữ Khmer, với 193 lớp, 4.870 học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên là các vị sư, À cha đứng lớp; hỗ trợ bàn ghế, sách Khmer ngữ cho các chùa Khmer dạy chữ Khmer trong dịp hè.

Tỉnh tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống trường lớp, đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc, ưu tiên các mục tiêu hoàn thành chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng nhà công vụ giáo viên, trường đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non; chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số với chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân của học sinh, sinh viên; tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Theo: Lê Huy Hải (baotintuc.vn)