Hội thảo chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Định

10:12 PM 08/10/2020 |   Lượt xem: 6050 |   In bài viết | 

Quang cảnh hội thảo

Đồng chí Hoàng Đức Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và đồng chí Đinh Văn Lung - Quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có 100 đại biểu đến từ các Ban Dân tộc, Sở Tư pháp, đại diện Phòng Dân tộc, Phòng Tư pháp, cán bộ thôn, già làng, Người có uy tín của 06 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát và phóng viên báo, đài của tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hoàng Đức Thành khẳng định công tác PBGDPL được Đảng ta xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách. Trong đó, có Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Trong năm 2020, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 136/QĐ-UBDT ngày 23/3/2020 nhằm góp phần triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp PBGDPL tại Đề án 1163.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 10 báo cáo tham luận và phát biểu ý kiến trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương, nhất là những kỹ năng đặc thù trong công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn các tỉnh. Từ đó, đảm bảo công tác PBGDPL được triển khai thực hiện có hiệu quả, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của các dân tộc và địa phương.

Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Trong đó, các đại biểu tích cực trao đổi, thảo luận tập trung về các nội dung: Kỹ năng xây dựng kế hoạch, kỹ năng PBGDPL và lựa chọn nội dung, hình thức và các mô hình PBGDPL hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, tập quán, văn hóa truyền thống các DTTS; Kinh nghiệm phối hợp, xã hội hóa và lồng ghép nguồn lực triển khai thực hiện công tác PBGDPL giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; Nhu cầu, nguyện vọng và trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng trong công tác PBGDPL; Những khó khăn, vướng mắc trong công tác PBGDPL đối với đồng bào DTTS và giải pháp.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Đức Thành cho rằng các tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu đã tập trung làm rõ một số kết quả và kinh nghiệm PBGDPL, nhất là việc lựa chọn nội dung, hình thức và các mô hình hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tập quán, văn hóa của người DTTS; đánh giá được những khó khăn, vướng mắc và có đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này.

Sau Hội thảo này, Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Sổ tay kỹ năng PBGDPL đặc thù vùng DTTS và miền núi để các địa phương sử dụng.

Công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS được Nhà nước ta quan tâm tiếp tục thực hiện lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong thời gian tới, để đảm bảo triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp PBGDPL tại Đề án 1163 và Chương trình MTQG, đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp của các ngành, các cấp, nhất là các cấp chính quyền địa phương và sự nỗ lực của bản thân đồng bào các DTTS.

Vừ Bá Thông (Vụ Pháp chế)