Tổng kết Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2009 - 2012

10:51 AM 11/04/2013 |   Lượt xem: 3050 |   In bài viết | 

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành là thành viên của Ban Điều hành Đề án 554; các tỉnh, thành phố thực hiện Đề án tham dự thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến. Cơ quan Ủy ban Dân tộc tham dự hội nghị có đồng chí Sơn Minh Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đồng thời là Phó Trưởng Ban Điều hành Đề án 554; Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Pháp chế UBDT, đơn vị tổ chức triển khai, thực hiện Tiểu Đề án 2.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Điều hành Đề án 554 báo cáo kết quả thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012 và phương hướng, kế hoạch Đề án giai đoạn 2013 - 2016. Thực hiện đề án: Giai đoạn 2009 - 2012, Đề án 554 đã được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước và có sự tham gia của các bộ, ngành và các địa phương đảm bảo yêu cầu đã được đặt ra. Cơ quan thực hiện đề án ở Trung ương và địa phương đã tập trung xây dựng nguồn nhân lực làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL); khảo sát xác định nhu cầu về nội dung và hình thức thực hiện TTPBPL; xây dựng mô hình thí điểm thực hiện TTPBPL; tổ chức PBPL bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả.

Đến nay, có trên 70% người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến các quy định về các luật như: Luật Đất đai, Tôn giáo, Hôn nhân và Gia đình, Giao thông đường bộ, Bảo vệ và Phát triển rừng, Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Phòng chống bạo lực gia đình, Phòng chống ma túy, Khiếu nại tố cáo và các quy định pháp luật khác có liên quan phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. 

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới các đối tượng của đề án là vấn đề được các cơ quan tổ chức thực hiện đề án đặc biệt quan tâm, sử dụng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng có hiệu quả để TTPBPL như: Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tư vấn, trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS; thi tìm hiểu pháp luật qua mạng; câu lạc bộ pháp luật, tủ sách pháp luật (ở cấp xã); TTPBPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hình thức thi THPL bằng hình thức sân khấu hóa đã đem lại hiệu ứng hết sức tích cực, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong 3 năm 2009 - 2012, các cơ quan thực hiện đề án ở TW và địa phương đã tổ chức 179.112 hội nghị, cuộc họp, tập huấn, giới thiệu văn bản tuyên truyền pháp luật cho 11.617.197 lượt người; tổ chức 264 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, TTPBPL cho 2.201.095 lượt người, trong đó có 19 hội thi THPL bằng hình thức sân khấu hóa. Các cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, giúp chuyển tải nội dung các văn bản luật đến với người dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân nông thôn và đồng bào DTTS.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành TW và tỉnh, thành phố đã trình bày các tham luận về một số kinh nghiệm trong công tác TTPBPL cho người nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, nêu những kết quả, những thuận lợi, khó khăn sau 3 năm triển khai Đề án. 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việc thực hiện Đề án 554 là hành động có ý nghĩa thiết thực đối với người dân nông thôn và đồng bào DTTS. Với mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền, công tác TTPBPL chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện luật pháp của nước ta. Những mô hình, cách làm hay cần tiếp tục được nhân lên đồng thời cũng phải nhìn nhận lại những hạn chế, tồn tại để tiếp tục khắc phục, tháo gỡ. 

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp từ Trung ương đến địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện các nội dung Đề án; phải đa dạng hóa, đổi mới phương pháp, nội dung công tác TTPBPL; TTPBPL nên đi sâu vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay như: vấn đề an toàn thực phẩm, bạo lực gia đình, tự do tín ngưỡng…; tăng cường xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, xây dựng các trung tâm tư vấn pháp luật cho người dân; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ trì phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện Đề án 554 giai đoạn 2013 - 2016; đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác TTPBPL; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác TTPBPL trong thời gian tới.

Xuân Thường