Hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

09:53 AM 19/10/2013 |   Lượt xem: 1872 |   In bài viết | 

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ;  Giàng Seo Phử, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; Trung tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam; Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Sơn Minh Thắng, Hà Hùng, Hoàng Xuân Lương, Sơn Phước Hoan, Phan Văn Hùng. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng các đại biểu tại 52 điểm cầu trực tuyến của 52 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Tại Hội nghị, đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cho thấy, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp xác định là nội dung quan trọng, có ý nghĩa chính trị to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi. Bộ Công an, UBDT và Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, quán triệt và tổ chức rà soát, lập danh sách, phân công quản lý, phân cấp vận động gần 30.000 người có uy tín.

 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội ở các địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện công tác vận động thông qua các hình thức như: mở các cuộc hội nghị, cuộc họp phổ biến chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tổ chức cho người có uy tín đi thăm quan, học tập kinh nghiệm và tiếp xúc với lãnh đạo các cấp để lĩnh hội các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước…nắm bắt thông tin, tiếp cận tình hình chung của thế giới, trong nước và của địa phương để nâng cao nhận thức, hiểu biết và phát huy tốt vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong 5 năm qua, người có uy tín đã tham gia giải quyết các vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, có nguy cơ trở thành “điểm nóng”; tham gia đấu tranh với hoạt động tôn giáo trái pháp luật; người có uy tín ở các xã biên giới đã tham gia có hiệu quả trong công tác phân giới cắm mốc, tham gia giải quyết việc xâm canh, xâm cư; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vận động đồng bào tuần tra biên giới, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, góp phần quan trọng vào việc giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…

 

Qua quá trình công tác, người có uy tín đã có nhiều tấm gương tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực; người có uy tín là trung tâm đoàn kết, vận động nhân dân nêu cao cảnh giác, tham gia đấu tranh với các phần tử xấu, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và sự bình yên ở thôn bản…

 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình phát huy vai trò và thực hiện chính sách đối với người có uy tín cũng bộc lộ một số hạn chế như: nhận thức, cách làm của một số cấp ủy, chính quyền khi triển khai Chỉ thị 06 và Quyết định 18 chưa thống nhất, chưa thấy hết được vị trí, vai trò của người có uy tín nên chưa quan tâm chỉ đạo, phân công quản lý, phân cấp vận động và bố trí nguồn kinh phí tương xứng để triển khai thực hiện nhiệm vụ này; nội dung, hình thức vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc chưa linh hoạt, chưa thiết thực; việc phát hiện, bồi dưỡng, vận động phát huy vai trò của người có uy tín trong các tôn giáo còn hạn chế; sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan trong quản lý, vận động người có uy tín chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác vận động người có uy tín năng lực còn hạn chế nên hiệu quả công tác chưa cao; phần lớn người có uy tín sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp xúc, gặp gỡ nhân dân chưa thường xuyên, kịp thời; kinh phí hằng năm bố trí cho công tác vận động, phát huy vai trò  người có uy tín còn hạn chế và chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện, nên phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đối với người có uy tín.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe 13 tham luận của các đại biểu và người có uy tín qua các điểm cầu trực tuyến và các ý kiến phát biểu hết sức tâm huyết, đóng góp cho báo cáo tổng kết của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 về người có uy tín. Hội nghị đã nêu nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhiều kiến nghị bổ ích trong công tác người có uy tín. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc có vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò của người có uy tín trong toàn hệ thống chính trị, trong mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế, an ninh chính trị... Qua Hội nghị, các đại biểu đã nêu được những bất cấp, hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền trong việc phát huy vai trò người có uy tín chưa được quan tâm đến nơi đến chốn, thiếu linh hoạt; việc phối hợp giữa các bộ, ngành chưa kịp thời, nhiều địa phương còn nặng hình thức, trong vận động chưa phù hợp phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nên hiệu quả còn thấp,…

 

Phó Thủ tướng khẳng định, qua Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06 và qua những ý kiến, tham luận của các đại biểu cho thấy Chỉ thị 06 là hết sức cần thiết đối với các địa phương trên cả nước, đây là một chủ trương thắng lợi của Chính phủ đã đi vào cuộc sống.

 

Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và địa phương cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của người có uy tín, đồng thời tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để tiếp tục phát huy tấm gương của người có uy tín, động viên, khen thưởng kịp thời, tạo điều kiện cho người có uy tín cống hiến, đóng góp, phát huy vai trò nòng cốt của mình tại địa phương, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số, Ủy ban Dân tộc đã công bố các quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng Bộ Công an và Ủy ban TWMTTQ Việt Nam cho các tập thể và cá nhân.

 

Tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể và 3 cá nhân về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sơn Nam