Nâng cao kỹ năng tiếp cận nhân học và kỹ thuật nghiên cứu định tính trong đánh giá nghèo vùng dân tộc thiểu số

03:14 AM 27/12/2013 |   Lượt xem: 2035 |   In bài viết | 

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, đơn vị của UBDT; Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam; đại diện UNDP tại Việt Nam; đại diện Ban Dân tộc tỉnh, Lãnh đạo huyện Kim Bôi, Hòa Bình.

 

Tiểu Dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP do UBDT phối hợp với các chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong tổ chức Khóa tập huấn về tiếp cận nhân học và kỹ thuật nghiên cứu định tính trong đánh giá nghèo vùng dân tộc thiểu số nhằm giới thiệu phương pháp tiếp cận nhân học và đào tạo nâng cao các kỹ năng, công cụ nghiên cứu thực địa cho các nhà hoạch định, quản lý thực hiện chính sách. Khóa tập huấn với mục tiêu giới thiệu các cách ứng dụng lý thuyết và phương pháp tiếp cận nhân học trong nghiên cứu về giảm nghèo và phát triển với lý do tiếp cận nhân học phát triển nói chung là một lĩnh vực tương đối mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam; cung cấp, bồi dưỡng các kỹ năng nghiên cứu thực địa cơ bản cho các nghiên cứu viên trong quá trình tổ chức thực hiện đánh giá nhanh nhân học trên địa bàn vùng DTTS. Phương pháp tập huấn được thiết kế dựa trên sự tham gia, đóng góp của học viên.

 

Phát biểu khai mặc Hội thảo, đồng chí Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Giám đốc tiểu Dự án PRPP chia sẻ: Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo thông qua việc thực hiện các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với kết quả giảm nghèo liên tục giảm từ 58% đầu thập niên 1990 xuống còn 9,45% vào năm 2010. Đặc biệt với vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 45% năm 2005 xuống còn 28,8% vào năm 2010. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, ở cấp Quốc gia vào đầu thập kỷ này, Việt Nam đã vươn lên từ một nước kém phát triển thành một nước có thu nhập trung bình thấp.

 

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một điều là trong cùng một điều kiện, một hoàn cảnh như nhau, với những chương trình hỗ trợ và hưởng thụ những chính sách như nhau, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ đã trở nên khá giả. Trong khi đó, nhiều hộ vẫn trong tình trạng nghèo dai dẳng, nghèo cùng cực và khó có khả năng thoát nghèo. Nguy cơ tái nghèo còn cao và nghiêm trọng hơn là khoảng cách phát triển, khoảng cách giàu - nghèo vẫn có xu hướng dãn rộng. Như vậy, giảm nghèo không chỉ đơn thuần là đào tạo, nâng cao năng lực, là truyền thông thay đổi hành vi và hỗ trợ nguồn lực.

 

Trong những nghiên cứu về nghèo gần đây, câu hỏi đặt ra là: người nghèo là ai? Họ sống ở đâu? Tại sao họ nghèo và vẫn có xu hướng nghèo? Và người nghèo được mô tả, được đánh giá như thế nào qua cái nhìn của những người không nghèo và của chính bản thân họ? Họ tìm kiếm sự tư vấn, sự hỗ trợ từ ai, từ đâu trong hoàn cảnh cụ thể của họ? đâu là những thách thức mà họ cho là cốt lõi, là cơ bản nhất trong việc tiếp cận, trong việc hưởng thụ các chính sách, các chương trình phát triển và giảm nghèo của Chính phủ?

 

Với cách tiếp cận này, tiểu dự án Hỗ trợ kỹ thuật phối hợp với các chuyên gia và nhóm tư vẫn của Viện nghiên cứu Phát triển Mêkong đã tổ chức khóa tập huấn về tiếp cận nhân học và kỹ thuật nghiên cứu định tính trong đánh giá nghèo vùng dân tộc thiểu số cho các cán bộ làm công tác dân tộc của UBDT.

 

Ban Tổ chức cho biết Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27-29/12/2013. Trong 2 ngày 27-28/12/2013, các học viên sẽ được học lý thuyết, và thảo luận nhóm tại hội trường, tập trung vào một số nội dung như: Nội dung chính của Điều khoản tham chiếu của Nghiên cứu Nghèo DTTS giai đoạn 2007-2012; giới thiệu về Nghiên cứu nghèo DTTS và kế hoạch, phương pháp tiếp cận và câu hỏi nghiên cứu của nghiên cứu nghèo DTTS giai đoạn 2007-2012; cập nhật nhanh về nghiên cứu nhân học, dân tộc học ở Việt Nam và những ứng dụng nghiên cứu nhân học, dân tộc học trong công tác dân tộc; phương pháp nghiên cứu định lượng và Báo cáo những kết quả phát hiện qua phân tích, nghiên cứu số liệu định lượng và nghiên cứu tại bàn về nghèo DTTS giai đoạn 2007-2012; một số nội dung trong hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu, đề xuất và quản lý triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số nguyên tắc chung liên quan đến phương pháp luận của nhân học; giới thiệu phương pháp, công cụ thu thập thông tin cơ bản trong nghiên cứu nhân học; một số nguyên tắc chung liên quan đến phương pháp luận nhân học; giới thiệu một số phương pháp thu thập thông tin cơ bản trong nghiên cứu nhân học; giới thiệu một số công cụ nghiên cứu định tính trong đánh giá nhanh nông thôn; nguyên tắc, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe và hỗ trợ thảo luận, kỹ năng huy động sự tham gia trong nghiên cứu thực địa tại địa phương; phương pháp ghi chép biên bản thực địa và phân tích số liệu trong nghiên cứu định tính nhân học; thảo luận nhóm về xây dựng đề cương nghiên cứu thực địa của các nhóm nghiên cứu định tính về giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2013.

 

Trong ngày 29/12/2013, các học viên sẽ được nghiên cứu thực địa tại một xã Luông Dăm, một xã nghèo của huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Sơn Nam