Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk
04:58 AM 30/12/2013 | Lượt xem: 1047 In bài viết |Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Dak Lak, chiều 29-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Niê Thuật; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành đã đón tiếp và làm việc với Đoàn.
Thay mặt địa phương, đồng chí Niê Thuật đã báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng; xây dựng nông thôn mới; công tác đổi mới, phát triển nông lâm trường quốc doanh; công tác cải cách tư pháp...
Theo đó, trong tình hình chung cả nước gặp nhiều khó khăn thách thức do tác động của suy thoái toàn cầu, tỉnh Dak Lak tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai gây ra, giá xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, các doanh nghiệp phục hồi chậm... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quần chúng nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn để phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013. Giá trị tổng sản phẩm đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2012. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 27,7 triệu đồng/ người/ tháng. Huy động vốn toàn xã hội ước đạt 12.500 tỷ đồng. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.470 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp trong năm đều đạt và vượt kế hoạch về diện tích gieo trồng, trong đó sản lượng lương thực có hạt hiện đạt trên 1 triệu tấn/năm.
Công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đảng bộ thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương; công tác xây dựng nông thôn mới đã có những kết quả bước đầu; hoạt động tư pháp ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng đã có những kiến nghị với Chủ tịch nước và Đoàn công tác một số vấn đề: xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội đối với TP. Buôn Ma Thuột; cho phép dùng vốn ngân sách của Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh để giải quyết một phần nợ đọng trong xây dựng cơ bản; bố trí vốn đầu tư để tỉnh thực hiện các dự án dở dang và lập dự án bố trí, sắp xếp dân di cư ngoài kế hoạch vào vùng dự án để quản lý, tổ chức cuộc sống cho nhân dân; cho phép triển khai đầu tư trước 37/189 thôn buôn chưa có điện; sớm ban hành chính sách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số; sớm chỉ đạo sắp xếp, đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các công ty nông - lâm nghiệp; hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần Hiến pháp mới được Quốc hội Khóa XIII thông qua; tăng cường hỗ trợ vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Dak Lak đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước. Việc xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên bên cạnh những thành quả đã đạt được, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cây công nghiệp dài ngày là cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng thời gian gần đây đã có dấu hiệu đi xuống; nhiều vấn đề xã hội còn tồn đọng cần sớm được giải quyết; nhiều vướng mắc kéo dài đang làm cản trở sự phát triển chung của tỉnh.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Dak Lak có tiềm năng rất lớn để phát triển, do đó tỉnh cần sớm có giải pháp "giải phóng" nội lực để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, cần nhanh chóng xử lý dứt điểm những tồn đọng tại các công ty nông - lâm nghiệp trên địa bàn, sớm tìm ra mô hình phù hợp để chuyển đổi hình thức hoạt động của các công ty này. Nếu cần thiết, tỉnh có thể mạnh dạn thực hiện thí điểm một số mô hình để các địa phương khác có thể đúc rút kinh nghiệm. Cần sớm có cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả tiềm năng về tự nhiên, trong đó 200 nghìn ha rừng mà các nông - lâm trường đang quản lý, khai thác.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhắc nhở địa phương cần kiên trì giải quyết những tồn tại về mặt xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hơn nữa chất lượng đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng.
Đối với vấn đề xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước chỉ đạo tỉnh cần phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua. Để thực hiện thành công vấn đề xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của nhân dân để tạo ra những bước đi bền vững. Bên cạnh tập trung nguồn lực giúp các xã điểm hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch, tỉnh cần hỗ trợ các xã khó khăn để làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT...cùng địa phương rà soát, đánh giá lại để sớm có đề xuất, tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành quy, cơ chế hỗ trợ phù hợp.
(Theo Baodaklak.vn)