Năm 2015 phải có chuyển biến thực sự trong cải cách TTHC
08:37 AM 26/03/2015 | Lượt xem: 2931 In bài viết |Phát biểu kết luận
tại buổi làm việc, tái khẳng định nội dung của cuộc họp hôm nay nhằm đi thẳng
vào chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, phục vụ
cho việc thông quan, xuất nhập khẩu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài
chính tiếp thu ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành để bổ sung vào nhiệm
vụ, giải pháp cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan thời gian tới, đồng
thời đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến để xây dựng Kết luận của cuộc
họp, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong triển khai thực hiện có kết quả
công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng cũng nêu rõ, cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan là nhằm tạo điều
kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa và kể cả đi lại của người dân, du
khách quốc tế vào Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát
triển kinh tế-xã hội của đất nước.
“Phát triển kinh tế
là nhiệm vụ trung tâm, nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền
kinh tế thế giới, nhờ đó mà chúng ta phát triển; GDP của chúng ta có 150 tỷ
USD, trong khi đó xuất nhập khẩu là 300 tỷ USD, không có thị trường, không có
xuất nhập khẩu thì làm sao có tăng trưởng”, Thủ tướng nói.
Nhiệm vụ đặt ra là
phải hội nhập, phải mở rộng thị trường, phải cải thiện môi trường đầu tư kinh
doanh, nâng cao năng lực canh tranh để phát triển; nếu không làm được điều này
thì sẽ tụt hậu, không thực hiện được Nghị quyết của Đảng; trong cải cách thủ
tục hành chính có nhiều lĩnh vực, nhưng hải quan là thấy rõ nhất và có ý nghĩa
hết sức quan trọng bởi tất cả đều qua hải quan, từ người vào làm ăn, đầu tư, du
lịch cho tới hàng hóa xuất nhập khẩu. Xuất khẩu tăng mới có tăng trưởng GDP
hoặc tất cả các nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do cuối
cùng cũng là mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho
người lao động.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước xác định cải cách thể chế là một khâu đột phá để phát triển, thể chế ở đây là kinh tế thị trường, là phát huy quyền làm chủ của người dân, gắn liền với đó là tạo mọi thuận lợi về hành chính, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp, người dân tự do làm ăn kinh doanh theo pháp luật. Vừa qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có kết quả, song mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta không thể dừng lại, không thể thỏa mãn và cũng không thể hài lòng với những kết quả này; cải cách thủ tục hành chính so với khả năng, chúng ta có thể hoàn toàn làm tốt hơn nhiều; đòi hỏi phải có ý chí, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng, môi trường cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Phải nhận thức rõ đây là một khâu đột phá, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ không chỉ trong năm nay mà còn cả những năm tới”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng cho biết, Nghị quyết 19 ngày 12/3/2015 của Chính phủ đã chỉ rất rõ mục
tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho nhiều bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ cải
cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đề nghị trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó có lĩnh vực
hải quan, các bộ, ngành phải không ngừng quán triệt, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm. “Các đồng chí phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ vào
Nghị quyết 19 để bám sát, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Từng bộ,
ngành phải xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể, đặt ra lộ trình rõ ràng”.
Thủ tướng cũng nêu rõ, “cải cách thủ tục hải quan, nếu Bộ Tài chính, Tổng cục
Hải quan mà không quyết liệt thì sẽ không có ai làm thay được”.
Cùng với đó là muốn
cải cách, phải rà soát pháp luật hiện hành. “Thủ tục không phải trên trời mà
nằm ngay trong các văn bản mà chúng ta đề ra, gồm thông tư của bộ, quyết định
của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị định, luật… Chúng ta phải rà soát lại,
từng bộ rà soát; cái gì liên quan đến doanh nghiệp, người dân phải rà soát lại
theo hướng tạo thuận lợi, phục vụ tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời
đưa ra giải pháp thông thoáng, thuận lợi nhưng phải quản lý được, không có
nghĩa thông thoáng là bỏ quản lý. Bên cạnh đó, phải quản lý theo thông lệ quốc
tế vì chúng ta đi vào kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, các nước
đã đi trước chúng ta, cái gì hay thì ta học, tham khảo, không nên bảo thủ vì
đây là thành tựu của nhân loại và ta phải mạnh dạn học hỏi, tham khảo kinh
nghiệm. Phải rà soát thông tư, công văn của bộ, quyết định của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Nghị định; còn liên quan đến luật, luật cũng chính là Chính
phủ đề xuất, xây dựng, Quốc hội thông qua, không nên đặt ra vấn đề đã là luật
thì không thể “cãi” được mà luật cũng đi từ thực tiễn, khi thực tiễn đã đi qua
rồi thì phải sửa, qua đó tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh
nghiệp".
Thủ tướng cho biết
đây đó vẫn có những cơ quan làm chính sách cố gắng bảo vệ chính sách mình đưa
ra vì tâm lý sợ dư luận khi chính mình sửa đổi chính sách của mình. "Như
vậy là không nên; ta phải lấy dân, lấy lợi ích của đất nước mà làm, mà sửa, với
tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một nhiệm vụ lớn nữa
được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ
với nhau trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách các thủ tục hải
quan, trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
thông tin trong công tác quản lý hành chính Nhà nước, cung cấp các dịch vụ công
nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, công sức của
người dân, doanh nghiệp. Quan tâm hơn nữa đến công tác tổ chức, đào tạo đội ngũ
cán bộ với ý thức, tinh thần phục vụ cao.
Cuối cùng, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành hết sức quan tâm đến công tác kiểm
tra, giám sát trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 19, trong cải cách
thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục hải quan. Bộ trưởng kiểm tra, Phó Thủ
tướng phụ trách khối kiểm tra, Thủ tướng kiểm tra để không xảy ra tình trạng
“đánh trống bỏ dùi” và năm 2015 phải có chuyển biến thực sự trong cải cách thủ
tục hành chính bằng những con số cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng đề nghị doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc, báo chí tham gia kiểm tra, giám
sát theo tinh thần “thẳng thắn phê phán, ai không chấp hành, chấp hành không
tốt Nghị quyết 19 cứ điều tra, cứ nêu lên, cứ chỉ rõ”.
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, tiếp sau đây, trực tiếp Thủ tướng Chính
phủ, các Phó Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc làm việc với các Bộ, ngành liên quan
nhằm kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, bảo
hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, phá sản doanh nghiệp, cấp phép xây dựng./.
(Nguồn: chinhphu.vn)