Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

03:42 AM 04/06/2015 |   Lượt xem: 1726 |   In bài viết | 

Đồng chủ trì Hội thảo có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Xuân Lương, bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ và bà Nuala O’Brien, Phó Đại sứ Cộng hoà Ailen tại Việt Nam. Dự Hội thảo có đồng chí Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT; đại diện một số Bộ, ngành Trung ương; đại diện 23 Ban Dân tộc các tỉnh phía Bắc cùng tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương nhấn mạnh: Qua thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, làm việc, sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn nhân lực…

Phát biểu tại Hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của UBDT và Chính phủ Việt Nam trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS. Đặc biệt là thông qua việc ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Shoko Ishikawa khẳng định, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ và các tổ chức quốc tế của Liên Hợp quốc sẽ đồng hành cùng UBDT trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS của Việt Nam.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Thiểu số UBDT, đơn vị thường trực Đề án đã giới thiệu Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 – 2025” của UBDT.

Đồng chí cho biết, hiện nay kết hôn cận huyết thống tuy đã giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại. Hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở một số dân tộc trong vùng DTTS nước ta, phổ biến là kết hôn giữa con cô với con cậu, con dì, con chú với con bác. Theo thống kê của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho thấy, các dân tộc Lô lô, Hà nhì, Phù lá, Chứt, Ê đê, Chu ru, Si la, Pu péo, Mông, Rơ măm, Brâu…có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống lên đến 10%. Hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Ở khu vực Tây Bắc, trong độ tuổi 10-19, cứ 10 em trai thì có 1 em có vợ, 5 em gái có 1 em có chồng. Nhiều xã, tỷ lệ tảo hôn lên tới trên 50%, như tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có tới 52% cặp vợ chồng kết hôn ở lứa tuổi 12 – 17 tuổi; xã Vân Hồ, tỷ lệ tảo hôn là 68%; xã có tỷ lệ tảo hôn thấp nhất là Muổi Nọi, huyện Thuận Châu cũng ở mức 27%. Dân tộc Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 33%, dân tộc Thái 23,1%, dân tộc Mường chiếm 15,8%. Các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trong cả nước như: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Kon Tum, Gia Lai đều nằm trong các khu vực này, trong đó tỉnh Lai Châu có tỷ lệ tảo hôn cao nhất có tới 18,65% số nam giới 15-19 tuổi, 33,8% số nữ 15-19 tuổi và, 21,2% số nữ 15-17 tuổi đang hoặc đã từng có vợ/chồng, tức là có khoảng gần 1/5 dân số nam và 1/3 dân số nữ 15-19 tuổi trong tỉnh đã từng kết hôn.

Mục tiêu của Đề án phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Với các mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; Trên 90% cán bộ công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS vào năm 2025; Giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và 3%-5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời bàn giải pháp thực hiện Kế hoạch triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ và mục tiêu của Đề án. Các đại biểu đề nghị, để triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả cần tăng cường tuyên truyền thực hiện luật hôn nhân gia đình; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt; tuyên truyền để đồng bào không ép hôn, hứa gả con khi chưa đủ tuổi quy định; thông tin qua các phương tiện thông tin truyền thông về hậu quả của kết hôn cận huyết và tảo hôn; làm tốt công tác giáo dục, y tế, đào tạo việc làm cho con em người DTTS; ngăn chặn văn hoá phẩm không lành mạnh lan tràn trong vùng DTTS; xây dựng mô hình thí điểm tại các xã có tỷ lệ tảo hôn cao để nhân rộng ra các địa phương khác; tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ công tác tại cấp xã, thôn, bản về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đảm bảo kinh phí cho các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án; có hướng dẫn cụ thể để các địa phương có cơ sở thực hiện Đề án một cách hiệu quả...

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cảm ơn Cơ quan của Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ và Đại sứ quán Ailen đã ủng hộ và hỗ trợ kinh phí để UBDT triển khai Đề án.

Để đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch triển khai Đề án, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu Vụ Dân tộc Thiểu số tiếp thu ý kiến của các đại biểu, có văn bản gửi xin ý kiến các Bộ, ngành về những nội dung liên quan đến việc triển khai kế hoạch thực hiện Đề án liên quan đến các lĩnh vực mà các Bộ, ngành quản lý; qua Hội thảo cho thấy trong nhiều giải pháp thì giải pháp truyền thông là quan trọng nhất, làm sao để thông tin đến được với đồng bào, quan tâm công tác truyền thông thông qua đội ngũ người có uy tín, bộ đội biên phòng, cộng tác viên về dân số kế hoạch hoá gia đình; lựa chọn mô hình điểm thực hiện thực sự hiệu quả để đồng bào nhìn thấy, từ đó đồng bào tin tưởng và làm theo; tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, nghiệp vụ, kiến thức, kinh nghiệm quốc tế góp phần giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Sơn Nam