Báo cáo tham luận của huyện Kon Plông, tỉnh KonTum

12:01 PM 01/10/2015 |   Lượt xem: 23360 |   In bài viết | 

Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là con, em người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh KonTum

Kon Plông là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Kon Tum, được thành lập từ ngày 31/01/2002 trên cơ sở chia tách từ huyện Kon Plông (cũ) theo Nghị định 14/2002/NĐ-CP, ngày 31/12/2002 của Chính phủ. Tổng diện tích tự nhiên là: 137.965 ha. Huyện có 09 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 89 thôn và 117 làng. Dân số toàn huyện là: 4.636 hộ, với 20.302 nhân khẩu; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 92,37%; thành phần dân tộc chủ yếu là Xê đăng, Mơ nâm, Kdong và dân tộc Hre.

Khi mới chia tách (năm 2002), huyện có 5/6 xã thuộc diện xã vùng III, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, đời sống kinh tế-văn hóa xã hội của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ cán bộ, công chức là người tại chỗ vừa thiếu, vừa yếu và chủ yếu là số cán bộ, công chức từ huyện cũ chuyển lên.

Trước thực trạng trên, xác định công tác cán bộ là công tác quan trọng của Đảng và của cả hệ thống chính trị. Ngay sau khi thành lập huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về các mặt cho con em, cán bộ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

* Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ CNH-HĐH đã chỉ rõ: "Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng". Bởi vì cán bộ chính là người góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, giữ gìn, cụ thể hóa, phát triển và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vì hạnh phúc của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém".

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm thực hiện chủ trương, chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển” đối với các dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở vùng miền núi, nhất là về giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ cho những vùng này, đặc biệt là từ khi bước vào thời kỳ đổi mới. Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27-1-1989 của Bộ Chính trị khoá VI đã chỉ rõ: “Thực hiện nguyên tắc ưu tiên đào tạo cán bộ dân tộc, cán bộ công tác ở miền núi học xong trở về địa phương phục vụ đồng bào các dân tộc”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX khẳng định: “Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên cử tuyển con em các dân tộc vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề”. Có thể khẳng định rằng, đây là những chủ trương đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta nhằm chủ động và tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số cho các địa bàn trọng điểm, chiến lược.

* Đối với tỉnh KonTum, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã có Quyết định số 604-QĐ/TU ngày 21-6-2000 ban hành Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đến năm 2010. Đây là Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cụ thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định: Đến năm 2010 đội ngũ cán bộ người dân tộc ở cấp tỉnh và huyện, thị đạt ít nhất 30% trở lên so với tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh, tăng cơ cấu thành phần dân tộc. Mỗi phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, thị phải có ít nhất 01 cán bộ người dân tộc trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý... Đối với các xã dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thì cán bộ chủ chốt phải là người dân tộc. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả cán bộ người dân tộc thiểu số phải được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh. Ngày 18-10-2001, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XII) đã ban hành Nghị quyết về "tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo sử dụng cán bộ đến năm 2005 và 2010", trong đó chú trọng đến đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Đến năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục ban hành Quyết định số 381/QĐ/TU về ban hành Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đến năm 2010.

* Đối với huyện KonPlông, để từng bước khắc phục sự hẫng hụt về đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng của cán bộ. Năm 2004, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn mỗi xã từ 5 đến 7 cán bộ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tập trung về huyện để đào tạo cùng lúc cả 2 mặt: Văn hóa cấp III và Trung cấp lý luận chính trị, đồng thời giao về cho các cơ quan, đơn vị tại huyện để học việc, bồi dưỡng thêm chuyên môn, nghiệp vụ. Với cách làm trên huyện đã đáp ứng được yêu cầu trước mặt về công tác cán bộ cho cấp xã (lớp gồm 41 học viên).

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho các em được yên tâm học tập, công tác, huyện đã hỗ trợ mỗi em từ 400.000 đến 600.000đ/tháng; các em nghỉ tại các cơ quan, ban ngành của huyện, qua đó vừa giảm bớt kinh phí cho huyện trong lúc còn khó khăn và vừa học được việc. Đây là cách làm sáng tạo của huyện để giải quyết tốt công tác cán bộ ở cơ sở. Hiện tại số cán bộ nói trên đa phần đã đảm nhận các vị trí chủ chốt, trưởng các đầu ngành ở các xã, ngoài ra một số cán bộ được rút về các phòng, ban của huyện để công tác.

Công tác đào tạo nguồn cán bộ cho các nhiệm kỳ sau cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Trong các năm 2005, 2007 và 2008 đã cử 13 cán bộ đi đào tạo Trung cấp quân sự; 13 cán bộ chủ chốt và dự nguồn của các xã đi học Đại học kinh tế phát triển phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại KonTum; 09 em học sinh đi đào tạo bác sỹ đa khoa tại Học viện Quân y (hệ cử tuyển). Năm 2009 tiếp tục cử 33 cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ở các chuyên ngành gồm: Đại học luật 2 người, Trung cấp Nông nghiệp 15 người, Trung cấp Hành chính 05 người, Trung cấp Luật 07 người, Trung cấp Quân sự 04 người.

Để đảm bảo đội ngũ cán bộ cấp xã đạt chuẩn theo Đề án 381-ĐA/TU của Tỉnh ủy và Đề án 03-ĐA/HU của Huyện ủy về "xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến thôn làng giai đoạn 2005-2010". Năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục mở 01 lớp đào tạo bổ túc văn hóa cấp III cho 55 cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn. Bên cạnh đó tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp đào tạo trung cấp chính trị và phối hợp với các cơ quan khác để đào tạo bồi dưỡng về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, tin học.v.v... phấn đấu đến năm 2011 khi tốt nghiệp ra trường các em có thể tự tin và đảm đương thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ sở. Đối với lớp bổ túc văn hóa huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho số cán bộ dự nguồn, cán bộ không chuyên trách (cán bộ cấp phó) và đã tổ chức cho các em ăn ở tập trung, đồng thời tiếp phân công các em về các cơ quan để học việc nâng cao nghiệp vụ các mặt.

Ngoài công tác đào tạo cán bộ cho cấp cơ sở, trong 7 năm qua huyện cũng đã cử nhiều cán bộ là con em người đồng bào dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ quan, ban ngành của huyện đi đào tạo liên thông từ Trung cấp lên Đại học ở nhiều chuyên ngành khác nhau.

Từ kết quả đào tạo, bồi dưỡng trên, hiện tại chất lượng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn huyện như sau:

- Tổng số cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã: 172 người, trong đó cán bộ là người đồng bào DTTS 120 đ/c, (chiếm 69,76%).
- Trình độ chuyên môn: Đại học 24 người, (chiếm 13,71%); Cao đẳng 02 người, (chiếm 0,58%); Trung cấp 56 người, (chiếm 31,61%); Sơ cấp 16 người, (chiếm 9, 20%); Chưa qua đào tạo 73 người, (chiếm 44,83%).
- Trình độ chính trị: Cao cấp 18 người, (chiếm 10,34%); Trung cấp 60 người, (chiếm 33,90%); Sơ cấp 02 người, (chiếm 1,16%); Chưa qua đào tạo 92 người, (chiếm 55,17%).
- Trình độ văn hóa: THPT 68 người, (chiếm 39,1%); THCS 84 người, (chiếm 48,83%); Tiểu học 20 người, (chiếm 11,5%).

Nhờ sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, kết hợp cách làm riêng biệt của huyện, nên trong các năm qua cơ bản huyện đảm bảo được nguồn cán bộ, chất luợng cán bộ ngày một nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để từng bước tạo nguồn, xây dựng quy hoạch và đào tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số trong thời gian đến, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đang công tác tại cơ sở trên cả 3 mặt: văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Phấn đấu đến nửa đầu nhiệm kỳ 2010 -2015 các cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã đạt chuẩn theo kế hoạch và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần này, tôi kính mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, dành sự ưu tiên cho cán bộ người dân tộc thiểu số, quyết tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đạt chuẩn cả về chuyên môn, chính trị đảm bảo đủ sức lãnh đạo nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Trên đây là bản báo cáo tham luận về sự quan tâm của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện KonPlông, tỉnh KonTum. Một lần nữa, xin chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe, chúc Đại hội thành công tốt đẹp, xin chân thành cảm ơn!