187 người là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội

04:17 PM 17/05/2021 |   Lượt xem: 4820 |   In bài viết | 

Các địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số ứng cử cao như các tỉnh Lạng Sơn (100%), Lai Châu (100%), Cao Bằng (87,5%), Điện Biên (87,5%), Hà Giang (87,5%), Kon Tum (87,5%), Yên Bái (87,5%).

Hiện, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp ở địa phương đã và đang phối hợp với Ủy ban bầu cử và Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tốt công tác vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đặc biệt phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử và chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tổ chức tiếp nhận các bản Chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND cấp tỉnh. Hướng dẫn MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã tiếp nhận Chương trình hành động của người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp theo Hướng dẫn số 60/HD-MTTW-BTT ngày 20/4/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tiếp nhận và giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử mới đây tại tỉnh Nghệ An, ông Đỗ Văn Chiến, Dân tộc Sán Dìu, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia đã chia sẻ về quá trình công tác cũng như bày tỏ niềm vinh dự và trách nhiệm của mình khi là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ niềm vui mừng khi khóa XV này được Hội đồng bầu cử Quốc gia cho phép về ứng cử tại tỉnh Nghệ An, một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, quê hương của Bác Hồ kính yêu.

"Trong 2 khóa là đại biểu Quốc hội, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, quá trình công tác tại Ủy ban Dân tộc do tôi làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm được giao chủ trì xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành 2 nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 88/2019/QH14 và Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là một dấu ấn trong lịch sử công tác dân tộc và cũng là kết quả nổi bật của Quốc hội khóa XIV", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đã có nhiều lần về Nghệ An, đặc biệt là các tỉnh nằm ở phía Tây Nghệ An để khảo sát, góp phần hình thành Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bởi vậy, một trong những ưu tiên trọng tâm thời gian tới là tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tỉnh Nghệ An có 11 huyện phía Tây với khoảng 1 triệu người dân được hưởng lợi từ Chương trình này.

Đến nay, Ủy ban bầu cử các cấp đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử, nhất là cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên của Mặt trận để tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân nắm vững pháp luật về bầu cử, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, thông qua các vị là chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong các dân tộc, các già làng, trưởng tộc vận động cử tri đi bầu cử; đảm bảo để cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; thực sự là ngày hội của toàn dân.

Song song với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp tích cực đẩy mạnh hoạt động giám sát bầu cử, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật của người ứng cử, giám sát trong ngày bầu cử theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.