Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công tác dân tộc

09:00 PM 06/06/2023 |   Lượt xem: 2630 |   In bài viết | 

Quang cảnh Phiên chất vấn

Phát biểu tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh thay mặt Ủy ban Dân tộc (UBDT) trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri đã quan tâm gửi nhiều ý kiến đến lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian qua và tại Kỳ họp này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật và hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách trong vùng đồng bào DTTS và người DTTS. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối Đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) được thiết kế với 10 dự án thành phần, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, được triển khai trên địa bàn 51 tỉnh vùng đồng bào DTTS, miền núi…

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, UBDT đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung đề nghị trả lời chất vấn, trong đó có 4 nội dung lớn. UBDT trân trọng tiếp tục lắng nghe, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Phiên chất vấn

Tại Phiên chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc với những nội dung trọng tâm, gồm: Thứ nhất, trách nhiệm của UBDT và công tác phối hợp với các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG. Thứ hai, chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Thứ ba, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thứ tư, việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Trả lời câu hỏi về vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phân định vùng đồng bào DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết, việc phân định này được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện theo Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, lúc đó thực hiện phân định theo miền núi, vùng cao. Giai đoạn 2, thực hiện phân định theo trình độ phát triển, xác định các thôn, xã ĐBKK để làm địa bàn đầu tư tập trung trọng tâm trọng điểm.

Trong quá trình phân định thuộc 2 giai đoạn này, UBDT được giao chủ trì, tham mưu Chính phủ xác định các tiêu chí. Từ 1996 đến nay, các chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS được xây dựng trên tinh thần đầu tư ở vùng ĐBKK nhất theo tiêu chí phân định 3 khu vực theo trình độ phát triển.

Gần đây nhất, Nghị quyết 120 của Quốc hội đã giao Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, UBDT đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 33 để xác định tiêu chí phân định theo 3 khu vực theo trình độ phát triển. Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, UBDT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT được Thủ tướng ủy quyền ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Quá trình phân định dựa trên một số tiêu chí: Những xã, thôn có 15% dân số trở lên là người DTTS thì xác định là xã, thôn vùng đồng bào DTTS; xã có tỷ lệ hộ nghèo 15% trở lên thì là xã nghèo. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, với những xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% thì không còn là xã nghèo nữa, tuy nhiên, trong thực tế cũng xuất hiện một số bất cập.

Các đại biểu tham dự Phiên chất vấn

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, các xã không còn là vùng ĐBKK nữa, không được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư của giai đoạn 2016 - 2020, đã có tác động, ảnh hưởng đến 12 chính sách. Chính phủ đã giao các bộ, ngành điều chỉnh, sửa đổi một số quy định, thông tư có liên quan đến vùng đồng bào DTTS, trong đó có chính sách bảo hiểm với người DTTS.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, hiện Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan đang sửa Nghị định 146, trong đó có bổ sung, đưa các đối tượng thuộc diện không ở các xã ĐBKK, nhưng vẫn là hộ DTTS khó khăn vào diện tiếp tục thụ hưởng. Dự thảo đang được xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu Phúc Bình Niê Kđăm (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) về việc triển khai dự án của các Chương trình MTQG thực hiện theo đúng các dự án đã được tổng hợp trong báo cáo nghiên cứu khả thi hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết đã nhận được văn bản của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời làm rõ theo nguyên tắc của Chương trình thì thẩm quyền điều chỉnh trong phạm vi nội bộ của một dự án, một địa bàn địa phương là của UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh. Trường hợp điều chuyển sang dự án khác, địa bàn khác phải có báo cáo và thống nhất với Trung ương để chiều chỉnh, bởi liên quan đến mục tiêu của Chương trình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, đã phân công một tổ công tác gồm đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBDT vào làm việc với tỉnh Đắk Lắk, đã giải đáp vấn đề này và đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo các sở, ngành thống nhất để xử lý.

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) liên quan đến Nghị định 05, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, Nghị định đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc và ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua rà soát và đánh giá, nhận thấy nhiều chủ trương, chính sách khác có liên quan đến vùng đồng bào DTTS cần phải được cập nhật và bổ sung điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. UBDT đã chủ động cùng với các địa phương đánh giá việc thực hiện Nghị định 05 và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung trên tinh thần là cập nhật, bổ sung nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc trong Hiến pháp các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương để trình Chính phủ.

Trả lời đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) về khắc phục vướng mắc trong triển khai Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, chương trình MTQG là khó khăn nhất và chia sẻ với những trăn trở của tất cả các cấp, các ngành và các đại biểu, bởi chương trình rộng lớn và nằm ở địa bàn khó khăn, phức tạp. Các dự án, các chính sách được tích hợp vào Chương trình bao gồm cả chính sách của giai đoạn trước còn hiệu lực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho hay, trăn trở lớn nhất hiện nay là quá trình triển khai trên thực địa, bởi có những dự án triển khai cụ thể đến tận thôn bản, từng hộ gia đình. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết về mặt thể chế về cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh. Do đó, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để cho địa phương quyết, tập trung lực lượng để triển khai.

Trả lời chất vấn của đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) về vấn đề giải pháp giúp bà con DTTS định cư ổn định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, qua khảo sát tình trạng đồng bào di cư từ địa phương này sang địa phương khác không chỉ diễn ra đối với đồng bào dân tộc Mông, mà xảy ra với các dân tộc khác. Về tập tục, tập quán thì từ trước đến nay là đồng bào dân tộc Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn, có trường hợp di cư đến nhiều địa bàn nhiều tỉnh khác nhau. Hiện nay có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3 - 4 tỉnh.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng này và nêu ra các giải pháp cho tình trạng này. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền cho người dân về chính sách pháp luật, kịp thời nắm bắt giải quyết vướng mắc của cộng đồng dân cư để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, có một số nhóm đồng bào không thuộc vùng dự án, không được thụ hưởng các Chương trình MTQG. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, UBDT sẽ tập trung nguồn lực đầu tư tại vùng khó khăn nhất.

Trong giai đoạn sau của Chương trình MTQG sẽ tập trung 12 nhóm chính sách, giải quyết những vướng mắc trong Quyết định 861. Tiếp đó, nhóm đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS sẽ được hưởng chính sách để xây dựng các chính sách phù hợp vào giai đoạn sau. Như vậy các giải pháp này vừa tổng quan, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có phân kỳ theo từng giai đoạn để đầu tư, hỗ trợ cho Nhân dân. Về trách nhiệm của UBDT sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những chính sách bất cập, đồng thời có những chính sách mới trong giai đoạn mới.

Trả lời chất vấn của đại biểu Châu Quỳnh Giao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) về nguyên nhân vì sao chậm ban hành một số chính sách quan trọng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, Kết luận 65 của Bộ Chính trị đã đưa ra 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, hiện nay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo hoàn thành 4 nhóm nhiệm vụ lớn, còn 4 chính sách đang giao cho các bộ ngành triển khai. Trong đó, chính sách về đào tạo nghề giao cho Bộ LĐTB&XH; chính sách về thu hút và đào tạo đội ngũ cán bộ giao Bộ Nội vụ; hai chính sách khác các bộ, ngành đang tiếp tục nghiên cứu triển khai trong giai đoạn tới.

Với chức năng, trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, UBDT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đánh giá lại những chính sách giai đoạn trước và đề xuất các chính sách trong nhiệm kỳ này cố gắng giải quyết xong nội dung liên quan đến Kết luận 65 của Bộ Chính trị; đồng bộ với các chính sách pháp luật hiện nay…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh trả lời chất vấn

Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ, ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

Để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để bảo đảm người dân thoát nghèo bền vững, bảo đảm điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.

Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại.

Về dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết đang gặp vướng mắc do chưa có văn bản quy định về định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt. Vừa qua, UBDT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 04 quy định về định mức nhà ở, đất ở. Như vậy đã có định mức cơ sở để các địa phương triển khai. Tuy nhiên, còn vướng mắc do nguồn hỗ trợ dự án này là nguồn đầu tư công, mà theo luật Đầu tư công, mỗi dự án đều theo quy trình xây dựng cơ bản rất phức tạp.

Qua nghiên cứu, rà soát, hiện Nghị định 27 đã được sửa đổi, cho cơ chế được áp dụng cấp phát cho nhân dân, vì những dự án này là đầu tư trực tiếp từng hộ gia đình, không phải cộng đồng dân cư, thôn bản, nên không thể lập dự án chung. Như vậy, hai vấn đề vướng mắc trong dự án này đã được giải quyết xong.

Về dự án hỗ trợ sản xuất dược liệu quý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho biết, việc này đã giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì. Bộ Y tế đã có Thông tư số 10 để hướng dẫn thực hiện dự án này. Tuy nhiên, thông tư này cũng có vướng mắc về quy định liên quan đến diện tích, danh mục cây dược liệu quý. Hiện Bộ Y tế đang sửa Thông tư 10 theo hướng tháo gỡ những vướng mắc này, sẽ ban hành trong tháng 6.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho rằng, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần sửa Luật Lâm nghiệp, vì vùng trồng dược liệu quý chủ yếu nằm dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, mà theo Luật Lâm nghiệp thì khu vực này không phát triển kinh tế, không làm sinh kế, nên gây ra vướng mắc.

(baodantoc.vn)