Cần phải dừng sử dụng Amiăng tại Việt Nam

12:38 AM 28/06/2017 |   Lượt xem: 13592 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo

TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ một số cơ quan nghiên cứu, tổ chức Hiệp hội, bộ, ngành, địa phương và tổ chức Quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

Amiăng là một loại sợi khoáng tự nhiên, nó có thể chịu nhiệt, cách điện, bền và có khả năng chống lại các quá trình sinh học. Tại Việt Nam, gần 80% lượng Amiăng nhập khẩu được sử dụng để sản xuất tấm lợp Firbro - xi măng (hay còn gọi là tấm lợp A-C). Ngoài ra, Amiăng có mặt ở một số vật liệu, sản phẩm khác như: Cách nhiệt, cách điện, má phanh, tấm trần cách nhiệt, các sản phẩm của hệ thống bảo ôn… Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp. Tiếp xúc với Amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe ông Phillip Hazelton - Chuyên gia Apheda Việt Nam chia sẻ kết quả Hội nghị Rotterdam lần thứ 8 (COP8) năm 2017, những  chi phí lớn do trì hoãn việc cấm Amiăng tại Việt Nam. Theo chia sẻ của ông Phillip Hazelton, 99% nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy rõ tác hại của Amiăng đối với sức khỏe con người. Hàng năm, thế giới có trên 100 nghìn ca tử vong liên quan đến Amiăng. Việt Nam nằm trong top 7 quốc gia trên thế giới tiêu thụ nhiều nhất vật liệu liên quan đến Amiăng gây chết người trong 10 năm qua. WHO và ILO khuyến cáo không có ngưỡng an toàn cho việc tiếp xúc và cách tốt nhất để kiểm soát nguy cơ là cấm tất cả các loại Amiăng.

Hoan nghênh UBDT đã chủ trì tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này, các đại biểu đều có ý kiến đồng thuận về tác hại của Amiăng đối với sức khỏe con người, chia sẻ mô hình cộng đồng nói không với Amiăng, thảo luận khả năng thay thế bằng tấm lợp không chứa Amiăng, kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng,trong đó chú trọng giảm tiêu thụ Amiăng hàng năm và chấm dứt nhập khẩu vào năm 2020; 100 cơ sở sản xuất đăng ký và cam kết giảm và tiến tới loại bỏ việc sử dụng Amiăng; giảm số lượng công nhân bị phơi nhiễm; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Amiăng… Các đại biểu khẳng định, cần phải tăng cường tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi về tác hại của Amiăng, có thể biên dịch ra một số tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Amiăng được sử dụng trong sản xuất tấm lợp Firbro - xi măng (ảnh tư liệu)

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS.Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, thể hiện sự quan tâm của các đại biểu đối với sức khỏe người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng khi họ đang hàng ngày tiếp xúc với Amiăng. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết các đại biểu đều khẳng định: Amiăng là vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người và cần có giải pháp để tiến tới loại bỏ việc sử dụng vật liệu có chứa Amiăng ra khỏi cộng đồng. Hội thảo cũng đã cung cấp những thông tin khoa học, từ đó góp phần thay  đổi nhận thức, hành vi của các nhà quản lý, người dân, thay đổi các hoạch định, triển khai chính sách trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phan Văn Hùng khẳng định UBDT là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đại diện cho đồng bào DTTS, thời gian tới, UBDT sẽ chỉ đạo tăng cường thông tin để nâng cao nhận thức cho đồng bào. Tuyên truyền trong toàn hệ thống cán bộ làm công tác dân tộc, người có uy tín biết về tác hại của Amiăng. Đề nghị các cơ quan chức năng phải dán nhãn đối với các sản phẩm có chứa Amiăng độc hại để đồng bào được biết; trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ làm nhà, sẽ khuyến cáo hạn chế tiến tới không sử dụng tấm lợp Firbro- xi măng. Các gia đình đã dùng rồi sẽ đề nghị các địa phương  thay thế bằng các sản phẩm khác; UBDT sẽ kiến nghị thêm việc khuyến cáo sử dụng sản phẩm có chứa Amiăng trong chương trình phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời nhất trí với các bộ, ngành trong công tác tham gia trình Chính phủ các chính sách về việc cấm sử dụng Amiăng.

Xuân Thường