Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng và duy tu bảo dưỡng công trình theo cơ chế đầu tư đặc thù

05:07 AM 30/10/2020 |   Lượt xem: 2768 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo một số vụ, đơn vị trực thuộc UBDT; đại diện các bộ, ngành Trung ương; Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; đại diện Ban Dân tộc của 13 tỉnh được triển khai dự án; đại diện cán bộ cấp huyện, xã và người dân/nhóm cộng đồng của các tỉnh Hòa Bình, Trà Vinh, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang; các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; các chuyên gia tư vấn.

Khai mạc Hội thảo, ông Võ Văn Bảy - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 nhấn mạnh, Hội thảo là dịp trao đổi, nhìn nhận lại những kết quả triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc đầu tư hạ tầng quy mô nhỏ, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng (CSHT) dựa vào cộng đồng; những cơ chế đặc thù, rút gọn mà Chính phủ đã ban hành.

Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu trao đổi, chia sẻ những cách làm mới từ các địa phương bằng việc sử dụng các nguồn lực của Chính phủ và nguồn lực của địa phương. Đặc biệt, một số tổ chức quốc tế như Irish Aid, RIC, bằng nguồn lực của mình đã triển khai sớm các hoạt động có tính phân công, phân quyền mạnh cho địa phương như ở Thanh Hóa, Hòa Bình, Trà Vinh… những cách làm mới, làm hay đã chuyển tải thông điệp đến cơ quan cấp trên và được các cấp chính quyền địa phương vận dụng thêm các nguồn lực để triển khai theo những cách làm mới này và đem lại hiệu quả rất thiết thực, đó là những điều rất đáng trân trọng.

Ông Võ Văn Bảy – Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ một số kết quả của dự án “Thúc đẩy mô hình duy tu bảo dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) dựa vào cộng đồng trong Chương trình 135 tại tỉnh Hòa Bình và Trà Vinh” giai đoạn 2013-2020, ông Lê Văn Hải - Giám đốc RIC cho biết, với sự hỗ trợ của Irish Aid và UBDT, dự án đã được triển khai ở 13 xã thuộc 6 huyện của 2 tỉnh Hòa Bình và Trà Vinh, tập trung vào nâng cao năng lực cho người dân và cán bộ địa phương; thực hiện duy tu và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng; thể chế hóa và vận động chính sách; chia sẻ và nhân rộng mô hình.

Kết quả triển khai cho thấy, đã có 77 thôn/ấp được thụ hưởng với 267 công trình được duy tu bảo dưỡng và xây mới (gồm các công trình: đường giao thông; kênh mương; nước sinh hoạt, nước tự chảy; nhà văn hóa); có 865 người dân và 270 cán bộ địa phương là nòng cốt triển khai dự án; có hơn 50 nghìn người dân địa phương được hưởng lợi từ các công trình. Dự án đã chia sẻ và nhân rộng mô hình ra các tỉnh khác như: Quảng Trị (với 02 công trình); Hà Giang (04 công trình)…

Đại diện Nhóm cộng đồng xóm Sưng (Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) chia sẻ những kết quả về sự tham gia của người dân trong thực hiện xây dựng công trình CSHT quy mô nhỏ

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Nhóm cộng đồng xóm Sưng (Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) chia sẻ những kết quả về sự tham gia của người dân trong thực hiện xây dựng công trình CSHT quy mô nhỏ trong Chương trình 135 theo cơ chế đặc thù; nghe chia sẻ những kinh nghiệm trong áp dụng cơ chế đặc thù vào duy tu bảo dưỡng CSHT tại xã Thanh Sơn, Cầu Ngang, Trà Vinh…. Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về các căn cứ pháp lý và giải pháp thúc đẩy vai trò của cấp xã và cộng đồng trong tự quản xây dựng và duy tu bảo dưỡng CSHT; đại diện Ban Dân tộc một số tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm, các thuận lợi, khó khăn trong quá trình duy tu bảo dưỡng và xây dựng công trình CSHT quy mô nhỏ; các chuyên gia tư vấn đưa ra những đánh giá về tình hình thực hiện duy tu bảo dưỡng và xây dựng CSHT quy mô nhỏ theo cơ chế đặc thù của Nghị định 161/2016/NĐ-CP.

Qua Hội thảo các đại biểu đã cùng nhìn nhận, đánh giá sâu sắc về những cách làm mới, đối chiếu về mặt thể chế, cơ chế, văn bản hướng dẫn, những quy định; đưa ra những đề xuất, kiến nghị với địa phương, với các bộ ngành nhằm bổ sung những điểm cần thiết cho giai đoạn 2021-2025 sắp tới. Các đại biểu đều kỳ vọng trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế, các cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục đồng hành cùng UBDT để triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đạt hiệu quả cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng DTTS&MN với các khu vực phát triển đến mức tối đa.

PV