Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giải trình thỏa đáng, không né tránh, có đáp án rõ ràng đối với từng nhóm vấn đề

09:57 AM 16/03/2022 |   Lượt xem: 3919 |   In bài viết | 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp sáng ngày 16/3. Ảnh BQH

Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu phòng Diên Hồng có: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các ĐBQH kiêm nhiệm ở trung ương;…

Tham dự phiên chất vấn còn có: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Trần Hồng Hà,.…

Phát biểu Khai mạc phiên chất vấn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo chương trình phiên họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV và kể từ phiên họp tháng 8 năm 2019 đến nay. Phiên chất vấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tiến hành chất vấn; phiên chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri, Nhân dân cả nước theo dõi và giám sát.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, tiếp nối thành công của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thời gian qua, cùng với việc các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức một số phiên giải trình, phiên chất vấn lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, có những chuyển biến tích cực, thực chất, được dư luận và cử tri đánh giá cao, khẳng định đây là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần lan toả tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát và hoạt động của Quốc hội, luôn luôn bám sát thực tiễn và hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, để chuẩn bị cho phiên chất vấn lần này, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, khoa học, cố gắng chuẩn bị tốt nhất về các điều kiện tổ chức cũng như nội dung phiên họp. Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn đời sống của Nhân dân, tổng hợp đề xuất chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản tập hợp kiến nghị của 54 Đoàn đại biểu Quốc hội, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến về kinh tế - xã hội được đại biểu Quốc hội quan tâm từ kỳ họp thứ 2 đến trước phiên họp thứ 9, căn cứ quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với 02 nhóm vấn đề, cụ thể là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Công thương liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên-môi trường liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Đây là hai nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 bộ quản lý nghành nêu trên mà còn liên quan đến các Bộ nghành liên quan, thời gian chất vấn không nhiều. Do đó, để đảm bảo hiệu quả của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu trên cơ sở các tài liệu đã được gửi, quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ, mỗi nhóm vấn đề chất vấn cần tập trung vào 02 nội dung, thứ nhất là liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành như (Nghị quyết số 134/2020/QH14, Nghị quyết số 82/2019/QH14, Nghị quyết số 100/2019/QH14, Nghị quyết số 33/2016/QH14, Nghị quyết số 63/2018/QH14...), những vấn đề phát sinh có tính cấp thiết, thời sự, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân..., để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề thuộc phạm vi nội dung chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Chính phủ được mời dự họp cần bố trí thời gian, sắp xếp công việc, đảm bảo tham dự đầy đủ phiên chất vấn, trừ những trường hợp bất khả kháng, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh, vòng vo, làm rõ thực trạng, có câu trả lời, đáp áp cụ thể, rõ ràng đối với từng nhóm vấn đề cả trước mắt cũng như định hướng lâu dài đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và một số bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình.

Về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, cơ bản được thực hiện như tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, mỗi vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn trong khoảng 1 phút; Bộ trưởng sẽ trả lời mỗi một vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu ra trong khoảng 3 phút. Đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận để làm rõ thêm các nội dung chất vấn mà người trả lời chất vấn trả lời chưa thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu với thời gian không quá 02 phút; các vị đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau để chúng ta dành nhiều thời gian cho Bộ trưởng trả lời. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các đồng chí thành viên Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, để lại nhiều ấn tượng và kỳ vọng của cử tri cả nước... "Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta có niềm tin vào sự đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát của Quốc hội và có những kinh nghiệm vững chắc để tiếp tục tổ chức các phiên chất vấn ở các kỳ họp tiếp theo", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau khi khai mạc phiên chất vấn, trong phiên họp buổi sáng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, gồm: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề có liên quan./.

(quochoi.vn)