Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2017
12:24 PM 03/05/2018 | Lượt xem: 6756 In bài viết |Sáng 2-5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2017 (PAR INDEX 2017) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017).
Dự hội nghị, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ.
Tại hội nghị, Bộ Nội vụ công bố kết quả PAR INDEX 2017 của 19 bộ, cơ quan ngang bộ, cho thấy: Giá trị trung bình chỉ số CCHC là 79,92%. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số cao nhất (92,36%), Ủy ban Dân tộc đạt chỉ số thấp nhất (72,13%). Năm 2017, tại một số đơn vị vẫn tồn tại hạn chế, yếu kém về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhiều bộ không đạt điểm số của tiêu chí “cung cấp dịch vụ công trực tuyến”, “ứng dụng công nghệ thông tin của bộ” và “thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công”.
Về PAR INDEX của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Năm 2017, được đánh giá là có nhiều điểm sáng tích cực, cho thấy lãnh đạo của các địa phương dành sự quan tâm tới CCHC. Tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng với 89,45 điểm, tỉnh Quảng Ngãi có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.
Dịp này, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam báo cáo kết quả SIPAS 2017, cho thấy: Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trung bình của cả nước là 80,90%. Sáu tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trung bình là hơn 90%; 12 tỉnh từ 85% đến 90%; 13 tỉnh từ 80% đến 85%; 19 tỉnh từ 75% đến 80% và 13 tỉnh dưới 75%. Kết quả khảo sát cho biết, mong muốn lớn nhất của người dân, tổ chức là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng các hình thức thông tin và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị, căn cứ kết quả chỉ số CCHC, các bộ, ngành, địa phương cần có biện pháp cụ thể khắc phục điểm yếu, những lĩnh vực, tiêu chí có điểm số thấp để nâng cao chỉ số cho những năm sau. Việc tổ chức tự đánh giá, chấm điểm cần nghiêm túc, thực chất hơn, tránh nặng về thành tích, bảo đảm kết quả khách quan, chính xác, sát tình hình triển khai và kết quả đạt được trong CCHC, phản ánh được tác động của CCHC tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Chú ý theo dõi, đánh giá, tổng hợp, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thống nhất trong từng lĩnh vực, bảo đảm chính xác, khách quan, cập nhật thường xuyên để sử dụng hiệu quả trong công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành, đánh giá CCHC.
Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, SIPAS 2017 là kênh thông tin quan trọng, đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính và phản ánh được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, tăng cường khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức để phục vụ việc cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công.
(nhandan.com.vn)