Quảng Ninh: Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022; triển khai nhiệm vụ 2023 - 2025

08:38 AM 09/02/2023 |   Lượt xem: 3292 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: “Hội nghị tập trung đánh giá kết quả nổi bật của các chương trình trong thời gian vừa qua, vai trò, cách làm sáng tạo của người dân; chia sẻ mô hình, cách làm mới có hiệu quả về phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững; nghiên cứu bổ sung, đề xuất các giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện các Chương trình trong giai đoạn mới”…

Theo báo cáo, đến nay, cơ bản 98/98 xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn NTM 100% so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025; 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 55,1%); 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 7/7 huyện đạt chuẩn NTM (đạt 100%); 2 huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đạt 7/8 nội dung theo Bộ tiêu chí quốc gia cấp tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Với các giải pháp thực hiện giảm nghèo, trong thời gian qua, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Quảng Ninh từ 7,68% đầu năm 2011, đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; còn 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy chưa thực sự quyết liệt; kết quả xây dựng NTM trong tỉnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương; một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, cơ chế chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư…

Trong năm 2023 - 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu: 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 32/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2,0 lần so với năm 2020… Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu nâng mức chuẩn nghèo và cận nghèo của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025: Khu vực thành thị đối với hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.800.000 đồng trở lên và khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.300.000 đồng trở lên.

UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao Bằng khen, Giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đánh giá cao những kết quả Quảng Ninh đạt được trong thực hiện MTQG xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022. Đặc biệt Quảng Ninh đã có một kế hoạch bài bản, bám sát chỉ đạo của Trung ương và thực hiện trên cơ sở những đặc thù của địa phương; tự vươn lên của chính mình.

"Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa ưu thế và dành nguồn lực quan trọng của tỉnh ưu tiên cho vùng khó khăn nhất của tỉnh và có chính sách sáng tạo nguồn lực từ Nhân dân và doanh nghiệp cùng tham gia với Nhà nước. Đây là những đột phá và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao Bằng khen, Giấy khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

(baodantoc.vn)