Rà soát kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Đồng bằng sông Cửu Long
10:09 PM 14/02/2023 | Lượt xem: 12619 In bài viết |Chiều 14/02, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động -Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội; lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.
Đây là Hội nghị thứ 3 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì với các vùng trong cả nước để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị cho Hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã tập trung báo cáo với Phó Thủ tướng những vướng mắc về thể chế, cũng như những khó khăn nội tại của các tỉnh trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại khu vực.
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp những phản ánh, kiến nghị của các địa phương; cập nhật tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại thuộc thẩm quyền; đồng thời gợi ý những định hướng lớn cho ĐBSCL, nhất là trong phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào, bảo vệ và phát triển nguồn nước sinh hoạt.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao và các địa phương trong vùng đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển là 8.790,967 tỷ đồng, chiếm 8,79% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.
Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho 14 địa phương là 3.279,598 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 9,63% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 2.285,894 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.077,484 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/01/2023, 13 địa phương giải ngân ước đạt 1.623,902 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đạt 70,72% kế hoạch cấp có thẩm quyền giao, cao hơn 13,51% so với bình quân chung của cả nước (57,21%). Tốc độ giải ngân vốn ngân sách địa phương của vùng rất cao, đạt xấp xỉ 100%.
Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong khu vực ĐBSCL là 2.232,920 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/1, vẫn còn 5/13 địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ vốn.
Các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỉ lệ giải ngân của các địa phương rất tốt, cao hơn 13,51% so với bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn nhiều khung chính sách và văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền chưa được ban hành, vì thế rủi ro về sai sót trong quá trình thực hiện do áp lực giải ngân là lớn.
Các địa phương trong vùng có 45 kiến nghị thuộc trách nhiệm trả lời của 10 bộ, ngành Trung ương, chủ yếu là những kiến nghị về việc sớm hoàn tất ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án; sớm sửa đổi những nội dung chồng chéo, chưa rõ trong các văn bản hướng dẫn đã ban hành, bảo đảm tính khả thi.
Tỉnh Long An, Bến Tre cùng phản ánh việc phải lấy ý kiến các bộ, ngành về danh mục loại dự án công trình áp dụng cơ chế đặc thù và phải xây dựng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP không phù hợp với thực tiễn tại địa phương, nhất là vùng ĐBSCL.
Cũng liên quan đến Nghị định 27, tỉnh Sóc Trăng cho biết Điều 16 của Nghị định quy định hồ sơ thẩm định phải có "Biên bản cuộc họp của cộng đồng dân cư" nhưng không rõ tỉ lệ dân cư tham gia họp phải từ bao nhiêu % trở lên; tỉ lệ đồng ý/ không đồng ý phải từ bao nhiêu % trở lên. Bên cạnh đó, quy định về nguyên tắc lựa chọn và tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhất là đối với tổ nhóm thợ "có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật" chưa cụ thể, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.
Lãnh đạo Bến Tre và Trà Vinh cho rằng, cần có lộ trình để thực hiện Chỉ tiêu 17.10 thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao quy định tỉ lệ sử dụng hình thức hỏa táng ít nhất 10%, vì theo phong tục, hình thức mai táng chủ yếu vẫn là chôn cất trên đất vườn, nên việc chuyển sang hình thức hỏa táng cần có thời gian tuyên truyền, vận động.
Tỉnh Hậu Giang cho rằng, chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới được Trung ương quy định giai đoạn 2021-2025 đều cao hơn so với giai đoạn 2016-2020, trong khi địa phương chưa có nguồn đối ứng, cân đối thêm để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bến Tre phản ánh Mục đ Khoản 4 Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 1127/QĐ-BTTTT ngày 22/6/2022 quy định nội dung xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có "100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng địa chỉ. Nếu thực hiện quy định này, địa phương phải hoàn thành việc gắn biển cho hơn 410.000 hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích cần nguồn kinh phí rất lớn nên khó hoàn thành trong năm 2022. Tỉnh kiến nghị lùi thời gian áp dụng quy định này.
Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, cố gắng tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao, biểu dương các tỉnh trong vùng đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt tỉ lệ giải ngân bình quân cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước, trong đó tỉ lệ giải ngân vốn địa phương lớn hơn vốn Trung ương giao.
Tuy nhiên, các tỉnh ĐBSCL cũng là vùng có tỉ lệ nợ văn bản quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu cao nhất và kiến nghị nhiều nhất với 45 kiến nghị so với 38 kiến nghị của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và 16 kiến nghị của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành ban hành văn bản quản lý, điều hành; hoàn tất việc phân bổ vốn của năm 2023 đã được Trung ương giao; cân đối vốn đối ứng của các địa phương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, cố gắng tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, rủi ro về công tác cán bộ.
Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường phối hợp, cộng đồng trách nhiệm vì các chương trình đều có nhiều dự án, tiểu dự án, được triển khai trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, có sự phân cấp mạnh mẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó kịp thời phát hiện vấn đề để xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý.
Đối với các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu, trong quý I/2023, dứt khoát hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại; tiếp tục rà soát lại các văn bản đã ban hành để sửa đổi, bổ sung những quy định còn chồng chéo thuộc thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương trên nguyên tắc phân cấp mạnh cho các địa phương, nội dung quy định cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, bớt quy trình.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo nhắc nhở chi tiết từng việc của từng bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành với những mốc thời gian hoàn thành cụ thể; chuẩn bị cho cuộc họp của Ban Chỉ đạo lần thứ 3 trong tuần sau./.
(baochinhphu.vn)