Giáo dục đào tạo vùng DTTS và miền núi đã đạt nhiều kết quả đáng trân trọng

10:02 PM 10/05/2019 |   Lượt xem: 20196 |   In bài viết | 

Các đồng chí Lãnh đạo đồng chủ trì Hội thảo (ảnh: TTXVN)

Tham dự Hội thảo còn có ông Điểu K’ré, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận TW; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh và đại diện lãnh đạo các tỉnh, sở ngành một số địa phương.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Hội thảo cho thấy, trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi đã có chuyển biến đáng kể. Hệ thống trường, lớp học được khang trang. Tỉ lệ học sinh đến trường, tốt nghiệp THCS, THPT tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, dự bị đại học, cử tuyển phát huy hiệu quả tích cực. Các chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Từ đó khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo của Bộ GD&ĐT. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong công tác giáo dục-đào tạo, vùng DTTS và miền núi đã đạt kết quả đáng trân trọng, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, tạo việc làm xóa đói giảm nghèo. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo vùng DTTS và miền núi đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Ở góc độ của cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ để phát triển giáo dục-đào tạo ở vùng DTTS, miền múi gồm: Chính sách về nội dung, chương trình giáo dục, học tiếng nói, chữ viết DTTS, xóa mù chữ, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS; chính sách phát triển mạng lưới, quy mô các trường chuyên biệt vùng DTTS miền núi như trường dân tộc nội trú, trường PTDT bán trú, phát triển trường dự bị đại học…; chính sách đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; chính sách ưu tiên đối với người học là người DTTS…

Tại nghị quyết 74/QH14, Quốc hội khóa XIV đã giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn để trình Quốc hội vào tháng 10/2019 và thực hiện từ năm 2021. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 giao UBDT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng Đề án này… Do đó, chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào DTTS và miền núi sẽ tiếp tục được quan tâm.

Ông Ma Ly Phước - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước phát biểu (ảnh: giaoducthoidai.vn)

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách giáo dục đào tạo trong vùng DTTS, miền núi.

Đơn cử, đại diện Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho rằng: Đối với học sinh mầm non, tiểu học cần tăng cường tiếng Việt, ngôn ngữ để khi bước vào cấp 1 các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Nên duy trì chế độ đào tạo cử tuyển nhưng cần điều chỉnh đối tượng học…

Đại biểu tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến: Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ thêm trong tháng 6, tạo điều kiện cho học sinh có điều kiện tốt hơn chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, vì hiện nay học sinh DTTS lớp 12 được hưởng chính sách hỗ trợ đối với các tháng trong năm học chính khóa…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị, trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế. Trong đó, nhóm giải pháp thứ nhất cần tập trung là các chính sách chung đối với giáo dục, đào tạo vùng dân tộc và miền núi. Nhóm giải pháp thứ hai là duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình giáo dục trường bán trú và nội trú, trong đó chú trọng củng cố điều kiện tốt hơn về sinh hoạt, chế độ và phương thức giáo dục. Nhóm giải pháp thứ ba cần quan tâm là duy trì chế độ cử tuyển nhưng phải trên cơ sở điều chỉnh lại tiêu chí tuyển chọn, phương thức đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo...

Lê Hường (Báo DT&PT)