Định hướng của Thủ tướng cần thấm vào toàn hệ thống hành chính

08:56 AM 06/07/2016 |   Lượt xem: 28003 |   In bài viết | 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 6/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngày 4/7, với việc HĐND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2016-2021 tiến hành kỳ họp thứ nhất, bầu nhân sự chủ chốt HĐND, UBND cấp tỉnh, tất cả các địa phương trên cả nước đã hoàn thành công tác kiện toàn bộ máy sau cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.

Ở Trung ương, công tác chuẩn bị cho việc kiện toàn bộ máy khóa mới cũng đang được tiến hành khẩn trương sau khi Quốc hội khóa XIV được bầu.

Một trong những nội dung được Ban Chấp hành Trung ương thảo luận tại hội nghị đang diễn ra là giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV.

Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên kể từ khi nhận trọng trách mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc triệu tập phiên họp trực tuyến Chính phủ với tất cả các địa phương trên cả nước nhằm quán triệt những tinh thần, định hướng lớn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành.

Đây cũng là những nội dung được Thủ tướng đề cập tới đầu tiên khi kết luận phiên họp này, trước các thành viên Chính phủ và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố.

Trước hết là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, chống lãng phí, có kỷ luật, kỷ cương, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm.

“Chúng ta đang nói đến tăng trưởng, tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý tốt hơn để người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tinh thần lớn là Chính phủ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, “cởi trói” cho sự phát triển.

Thứ ba, tăng cường minh bạch, trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm thay vì Nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới, khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Các ngành, các địa phương đều phải có đề án xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của người dân, doanh nghiệp.

Thứ năm, thẩm quyền cấp nào thì cấp đó quyết định, chịu trách nhiệm, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên; đặc biệt lưu ý công tác phối hợp để giải quyết các vấn đề liên ngành.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách hàng đầu của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, thượng tôn pháp luật gắn với phát huy dân chủ sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục nhấn mạnh những định hướng lớn, những tinh thần lớn nói trên. Và không dừng lại ở những phát ngôn, toàn bộ hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng đều thể hiện rất rõ những quan điểm này. Công luận đã đánh giá cao những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thể hiện bản lĩnh và tinh thần đổi mới của Chính phủ, của Thủ tướng qua hàng loạt vụ việc, như vụ quán cà phê Xin Chào, sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản,  xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp…

Bản lĩnh và tinh thần ấy còn thể hiện rõ hơn nữa trong quá trình Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo những vấn đề vừa cấp bách vừa đòi hỏi tầm nhìn, tư duy dài hạn như cải cách thể chế, giải quyết những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt theo hướng tập trung xử lý các điểm nghẽn về thể chế để tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn…

Hiến pháp đã quy định rõ, Thủ tướng Chinh phủ lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia. Trong thời gian ngắn gần 3 tháng kể từ khi Chính phủ được kiện toàn, những định hướng lớn mà Thủ tướng nhấn mạnh đã bắt đầu “thấm” vào hoạt động của các bộ, ngành và nhiều địa phương.

Đất nước đang đứng trước thời cơ và những thách thức lớn, đòi hỏi bản lĩnh rất cao, tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự thống nhất, chung sức, chung lòng của các cấp chính quyền, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Muốn vậy, toàn bộ hệ thống các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức phải quán triệt, thực thi những định hướng lớn cũng là cam kết và quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng.

(Theo: Hà Chính - chinhphu.vn)