Đưa quan hệ về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Việt Nam và Myanmar lên tầm cao mới

08:37 PM 01/09/2017 |   Lượt xem: 33455 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Trung tướng Ye Aung, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar kí Thỏa thuận Hợp tác

Từ năm 1994, Ủy ban Dân tộc (trước đây là Ủy ban Dân tộc và Miền núi) và Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar (trước đây là Bộ Biên giới, Dân tộc và Phát triển Myanmar) đã thiết lập quan hệ hợp tác. Tháng 7/2000, hai cơ quan đã ký Thỏa thuận Hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc. Từ đó đến nay, hai bên đã tiến hành trao đổi tổng cộng 16 đoàn công tác cấp cao. Chuyến công tác tại Myanmar của Đoàn công tác cấp cao Ủy ban Dân tộc lần này nhằm cụ thể hóa mối quan hệ giữa hai Cơ quan dựa trên mối quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện đã được Lãnh đạo cấp cao hai nước kí kết trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 24- 26/8/2017.

Sau Lễ đón Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và đoàn công tác, tại Thủ đô Naypyidaw - Myanmar,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và Trung tướng Ye Aung, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar đã tiến hành Hội đàm. Tại cuộc Hội đàm, hai bên khẳng định cam kết đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lên tầm cao mới; cùng ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong các diễn đàn hợp tác song phương, đa phương về hợp tác trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Trung tướng Ye Aung, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau cuộc Hội đàm.

Tại cuộc Hội đàm, những chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc của Việt Nam; kinh nghiệm thực hiện công tác dân tộc, lĩnh vực giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã nhận được sự quan tâm rất lớn và đánh giá cao từ phía Myanmar.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chia sẻ: Đoàn kết dân tộc là nguyên tắc quan trọng nhất của ngành công tác dân tộc Việt Nam. Trong đó, phát huy tinh thần đại đoàn kết giữa các dân tộc là nền tảng cơ bản cho sự phát triển chung của cả quốc gia. Chỉ có đoàn kết mới tạo ra sự phát triển. Việt Nam đã trải qua những năm tháng lịch sử mà dấu ấn của thống nhất, đoàn kết dân tộc vừa là phương hướng, vừa là giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức để giành độc lập, tự do và hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

Cho rằng Việt Nam và Myanmar có nhiều nét tương đồng về các nhóm DTTS, cùng gặp những khó khăn, thách thức tương tự trong quá trình phát triển, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chia sẻ: mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài giữa hai cơ quan có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay giữa hai quốc gia và trong khu vực.

Trung tướng Ye Aung, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar  khẳng định mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia là cơ sở bền vững cho mối quan hệ hợp tác giữa hai Cơ quan làm công tác dân tộc. Đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài với Ủy ban Dân tộc Việt Nam trong các lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường…. cho các nhóm DTTS, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, Trung tướng Ye Aung mong muốn sẽ tiếp tục đưa mối quan hệ hợp tác giữa hai Cơ quan lên tầm cao mới thực chất hơn và bền vững hơn.

Để cụ thể hoá những nguyện vọng và cam kết phối hợp, hợp tác giữa hai Cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Trung tướng Ye Aung, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar đã kí thỏa thuận Hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Các vấn đề Biên giới nước Cộng hòa Liên bang Myanmar. Theo đó, hai bên đồng ý hợp tác trên các lĩnh vực liên quan tới công tác dân tộc như: nghiên cứu khoa học, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xây dựng chính sách...bằng nhiều hình thức thích hợp nhằm thúc đẩy tiến bộ về công tác dân tộc của mỗi nước, góp phần duy trì sự thống nhất, sự ổn định của khu vực và thế giới. Hai bên đồng ý cử đoàn cán bộ cấp Lãnh đạo Bộ, cấp Vụ, cấp chuyên viên đi khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau  về công tác dân tộc. Hợp tác, nghiên cứu đề xuất và triển khai các hoạt động về công tác dân tộc, phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi  trong khối ASEAN. Trong điều kiện cho phép hai bên sẽ luân phiên tổ chức các hội thảo chuyên đề ngắn và các khóa đào tạo  về lĩnh vực công tác dân tộc. Một khóa đào tạo có thể kéo dài 10 đến 30 ngày với số lượng từ 15-20 chỉ tiêu/ năm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ và công chức là người DTTS của hai bên tham gia vào các chuyến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn văn hóa truyền thống vùng DTTS...

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Myanmar, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến và Đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc tại Đại học Phát triển Nguồn Nhân lực trẻ các dân tộc trực thuộc Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar. Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm  Đỗ Văn Chiến đã có buổi nói chuyện thân mật với tập thể giảng viên, sinh viên của nhà trường. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: Giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất và bền vững nhất để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm  DTTS và đa số, giữa miền núi và đồng bằng. Trong đó, thầy cô giáo là những người có trách nhiệm nặng nề nhưng cao cả đối với những thế hệ tương lai của sự phát triển vùng DTTS, vùng biên giới, miền núi. Những chia sẻ tâm huyết của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đã nhận được tình cảm nồng ấm của tập thể giảng viên và học sinh của nhà trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Phát triển Nguồn Nhân lực trẻ các dân tộc thuộc Bộ Các vấn đề Biên giới Myanmar

Chuyến thăm và làm việc tại Myanmar của Đoàn công tác cấp cao Ủy ban Dân tộc đã kết thúc tốt đẹp tiếp tục khẳng định kế hoạch đối ngoại đúng đắn của Ủy ban Dân tộc; nâng tầm cao mới trong mối quan hệ  về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Việt Nam với Myanmar nói riêng, khu vực ASEAN nói chung.

Thanh Huyền - Trần Hà