Hội nghị giao lưu trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc của 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022
03:17 PM 10/09/2022 | Lượt xem: 2500 In bài viết |Trong hai ngày 9 - 10/9, tại huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã chủ trì Hội nghị giao lưu trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc của 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2022, gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh.
Tham dự Hội nghị về phía Ủy Ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng 1719; Báo Dân tộc và Phát triển; lãnh đạo Ban Dân tộc 7 tỉnh, thành phố trong khu vực. Về phía tỉnh Cao Bằng có ông Bàn Quý Sơn - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Trùng Khánh cùng với 132 đại biểu dự hội nghị.
Hội nghị trao đổi học tập kinh nghiệm giữa 8 tỉnh, thành phố phía Bắc được tổ chức thường niên và luân phiên hằng năm. Đây là diễn đàn trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tạo sự gắn kết giữa cán bộ công chức Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố.
Toàn cảnh Hội nghị
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, đây là tỉnh miền núi, biên giới, có 9 huyện trong đó, có 7 huyện biên giới, có địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ người DTTS chiếm 94,88%, với 35 dân tộc cùng sinh sống. Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (Chương trình MTQG), Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tốt các hướng dẫn của Trung ương và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ cơ sở.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh vẫn gặp một số hạn chế, vướng mắc. Để triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình MTQG theo Quyết định 1719 đạt hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đã đưa ra một số giải pháp, như: tiếp tục thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Trung ương và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác bồi dưỡng công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc, chính sách dân tộc theo Quyết định 771/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời phát huy ưu điểm, phát hiện cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng; khắc phụ các hạn chế, khuyết điểm để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức dân tộc hơn nữa trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Ban Dân tộc cũng đã có những ý kiến đóng góp để đưa ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG theo Quyết định 1719.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh và lãnh đạo các địa phương chứng kiến đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố ký kết Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo
Bà Triệu Thị Thu Phương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực chủ động phối hợp thực hiện các nội dung chuẩn bị thực hiện Chương trình. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế đó là Chương trình MTQG chậm phân bổ vốn; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chậm ban hành, thiếu đồng bộ hoặc hướng dẫn còn chung chung nên rất khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện.
Đặc biệt đối với Bắc Kạn, đội ngũ làm công tác dân tộc từ cấp tỉnh đến cơ sở ít so với nhiệm vụ được giao, tại cấp huyện không còn phòng dân tộc chỉ phân công 1 công chức phụ trách, cấp xã 1 công chức kiêm nhiệm, do vậy khi triển khai Chương trình gặp nhiều khó khăn.
Do các xã đặc biệt khó khăn số hộ nghèo, cận nghèo cao, diện tích rộng, địa bàn đồi núi bị chia cắt…, cần hỗ trợ lớn, nhưng nguồn vốn hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu, khó khăn trong việc lồng ghép với các chương trình, chính sách trên địa bàn…
Ông Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc Bắc Giang cho biết: Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nhân lực làm công tác dân tộc, nhất là cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan công tác dân tộc của tỉnh Bắc Giang luôn cố gắng, vượt qua những khó khăn, thách thức để tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên đại bàn, đặc biệt là tham mưu triển khai thực hiện Chương trình MTQG.
Lãnh đạo Ban Dân tộc của 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc biểu thị quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh khẳng định: Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác dân tộc 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá, triển khai thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới, đặc biệt là Chương trình MTQG theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là chương trình lớn, tích hợp tất cả các chương trình từ trước tới nay. Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh đề nghị Ban Dân tộc các tỉnh cần tham mưu cho lãnh đạo tỉnh quán triệt triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng công tác truyền thông về Chương trình MTQG. Công tác truyền thông là nội dung nằm trong Dự án 10 của Chương trình, nếu công tác truyền thông không được chú trọng thì việc triển khai Chương trình MTQG sẽ kém hiệu quả. Truyền thông để người dân hiểu và đồng thuận, để cùng nhau thực hiện Chương trình một cách hiệu quả nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho đồng bào… “Các cơ quan làm công tác dân tộc phải phối hợp với các cơ quan báo đài, đặt nhiệm vụ công tác truyền thông lên hàng đầu”, Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh, trong thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chí phân bổ nguồn lực, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết những vướng mắc, khó khăn giúp cho đời sống của đồng bào ngày càng tốt hơn.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc 8 tỉnh, thành phố đã ký kết Chương trình phối hợp trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã bàn giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Chương trình phối hợp năm 2023 cho Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đơn vị cụm trưởng luân phiên năm 2023.
Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã bàn giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Chương trình phối hợp năm 2023 cho Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đơn vị cụm trưởng luân phiên năm 2023.
Ngày 10/9, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức cho đoàn đại biểu các tỉnh đã đi tham quan và học tập các mô hình tại huyện Trùng Khánh. Thông qua chương trình thực tế, nhằm tuyên truyền, quảng bá một số các sản phẩm tiêu biểu của vùng DTTS miền núi tỉnh Cao Bằng.
(baodantoc.vn)