Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới”
08:48 AM 07/12/2016 | Lượt xem: 7799 In bài viết |Ngày 06/12, tại Hà Nội, Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc ) phối hợp với Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới”. TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT; GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; PGS.TS Trần Trung, Q.Giám đốc Học viện Dân tộc, Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới; Viện Dân tộc học; đại diện lãnh đạo một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT, Ban Dân tộc tỉnh Hà giang; Ban Chủ nhiệm đề tài cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước xác định là Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2020. Qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều tỉnh/thành đã xây dựng đạt đủ 19 tiêu chí và về đích đúng thời hạn. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi nói chung, vùng núi phía Bắc nói riêng, chương trình xây dựng NTM còn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại do nhiều nguyên nhân,trong đó nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi các phong tục, tập quán của khu vực này.
Một trong những yêu cầu cấp bách đối với UBDT hiện nay là phải rà soát, thống kê một số phong tục tập quán tiêu biểu của đồng bào DTTS đang sinh sống tại khu vực miền núi phía Bắc. Trên cơ sở đó nghiên cứu, xác định cơ chế tác động của phong tục, tập quán đối với chính sách phát triển. Kết quả nghiên cứu là giải pháp kết hợp phát huy những yếu tố tích cực, đồng thời khắc phục, hạn chế yếu tố gây cản trở trong đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS làm giảm hiệu quả xây dựng NTM.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT nhấn mạnh: Đề tài "Ảnh hưởng của phong tục tập quán các dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng nông thôn mới” là một nội dung quan trọng nằm trong hệ thống các đề tài nghiên cứu của Chương trình NTM. Tuy nhiên, đây cũng là một đề tài khó khi nội dung của đề tài và Chương trình NTM có sự mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới. Ban Chủ nhiệm đề tài cần nhận diện những yếu tố tích cực và tiêu cực của các phong tục tập quán các dân tộc để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các mâu thuẫn còn tồn tại. Nếu việc xây dựng NTM loại bỏ toàn bộ các phong tục tập quán của đồng bào thì chương trình xem như không thành công và không phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị: Đề tài cần kế thừa, tổng hợp kết quả từ những công trình đã nghiên cứu trước đó, phân tích những tác động, ảnh hưởng của nó đến các tiêu chí của Chương trình NTM; qua đó đề xuất các giải pháp, ứng dụng để hướng dẫn người dân bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của các phong tục tập quán trong quá trình xây dựng NTM.
Hội thảo đã tập trung thảo luận, góp ý vào các nội dung của đề tài: Kết quả nghiên cứu thực trạng ảnh hưởng của phong tục tập quán đồng bào các DTTS khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng NTM; ảnh hưởng của phong tục tập quán các DTTS khu vực miền núi phía Bắc đến tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM; thực trạng ảnh hưởng của phong tục tập quán người Mông đến hiệu quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Giang; hoạt động kinh tế hộ gia đình của người DTTS trong bối cảnh tác động của phong tục tập quán ở một số địa bàn khảo sát.
Các đại biểu cũng đưa ra đề xuất cần điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc như: quy hoạch, hạ tầng về chợ, nhà văn hóa, đường giao thông, thủy lợi; khu nghĩa trang; thu nhập, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tỷ lệ sử dụng nước sạch.
Cũng có ý kiến cho rằng một số tiêu chí nên cân nhắc, điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của miền núi phía Bắc như: Tiêu chí sử dụng nhà văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang; cần có sự hỗ trợ nhất định trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, đầu tư đào tạo nghề và lao động cho phù hợp với DTTS; có kế hoạch truyền thông, vận động người dân thực hiện, đặc biệt liên quan đến hôn nhân, gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tích cực như các hương ước, quy ước, lễ hội, các nghi lễ mang tính cộng đồng và có tính giáo dục cao…
Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Trần Trung, Q.Giám đốc Học viện Dân tộc (UBDT), Chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến, đề xuất của các đại biểu. Ban Chủ nhiệm đề tài sẽ bổ sung hoàn thiện báo cáo tổng hợp. PGS.TS Trần Trung cũng cho biết: Để thực hiện Đề tài đạt hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã triển khai các Hội thảo tại các vùng, cũng như các cuộc tọa đàm và phỏng vấn ở địa phương. Tất cả các hoạt động này đã được triển khai đồng bộ theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao. Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu Đề tài mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong cuộc Hội thảo tiếp theo nhằm hoàn thiện và tiến hành nghiệm thu Đề tài thành công.
Huyền Trang