Hội thảo Vai trò Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030

08:37 PM 30/09/2020 |   Lượt xem: 14404 |   In bài viết | 

Quang cảnh Hội thảo

Ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội và ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KHCN đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương vùng DTTS & MN, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát năm 2020, trong hai tháng 8 và 9, HĐDT tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về KHCN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2011-2020” trên phạm vi toàn quốc. Qua giám sát thực tế, HĐDT nhận thấy Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách chung cũng như chính sách, pháp luật về KHCN ưu tiên phát triển vùng DTTS & MN. Từ năm 2011-2020 các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 719 dự án KHCN tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS & MN. Kết quả đạt được từ các chương trình KHCN khá toàn diện, đã tác động tốt đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, làm chuyển biến mọi mặt vùng DTTS & MN. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa được phân phối trên các thị trường, đã có nhiều mô hình ứng dụng KHCN tiên tiến điển hình trong sản xuất nông lâm nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KHCN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN còn nảy sinh nhiều hạn chế và bất cập đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi Luật và xây dựng các chương trình, chính sách phù hợp mang tính đột phá, đặc thù theo từng vùng miền. Hội thảo là dịp để HĐDT có thêm nhiều thông tin đa chiều cả về lý luận và thực tiễn trong công tác KHCN, có thêm những số liệu minh chứng cụ thể làm cơ sở cho việc đánh giá một cách khách quan nhất về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trong giai đoạn 2011-2020, từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ về việc ứng dụng KHCN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận của đại diện các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng quan về tình hình triển khai, kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật, chuyển giao KHCN vùng DTTS & MN; kết quả thực hiện nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 cùng những đề xuất, kiến nghị cho giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những tồn tại, điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tạo đột phá cho vùng DTTS & MN. Cụ thể: Hoạt động KHCN còn thiếu các chính sách mang tính đột phá cho vùng DTTS & MN, chưa tạo sản phẩm mũi nhọn. Nguồn lực dành cho KHCN vùng DTTS & MN chưa thỏa đáng. Việc duy trì, phát huy các mô hình ở các địa phương còn khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, chưa tạo được chuỗi giá trị. Chưa có nghiên cứu, đề tài khoa học về trình độ phát triển của từng thành phần dân tộc...

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng: Cần nhìn nhận rõ vai trò quan trọng của KHCN trong hệ thống chính trị. Từ đó, hoàn thiện hệ thống KHCN, cơ cấu lại hệ thống cơ sở KHCN công lập và tư nhân. Có cơ chế phối hợp giữa Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tạo cơ chế cho các nhà khoa học được báo cáo kết quả các sản phẩm KHCN đã được nghiên cứu. Cần có cơ chế phối hợp liên kết vùng; tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các tỉnh. Có các chương trình, dự án mang tính khu vực để thực hiện liên kết vùng cho một số sản phẩm chủ lực, ưu tiên khoa học ứng dụng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ là người DTTS tham gia các hoạt động KHCN. Tạo được sinh kế, xóa được đói, giảm được nghèo cho đồng bào DTTS.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng: Căn cứ kết quả giám sát ở các địa phương và ý kiến của đại biểu, Bộ KHCN, Bộ Tài chính sẽ có căn cứ xây dựng, điều chỉnh các chính sách cho giai đoạn mới 2021-2030. Trước mắt, Bộ KH&CN sẽ cùng với các bộ, ngành xây dựng, triển khai tốt nhiệm vụ của Nghị quyết 88/2019/QH14 “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS & MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc”

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được của hoạt động KHCN trong thời gian qua, từ xây dựng thể chế, chính sách, kết quả thực hiện, xây dựng các mô hình, Các hoạt động KHCN đã đóng góp cho sự phát triển của vùng DTTS & MN. Nhiều mô hình đã được áp dụng vào thực tiễn, minh chứng điển hình cho những thành tựu KHCN vùng DTTS & MN. Bên cạnh những kết quả đạt được, số lượng đề tài KHCN còn ít, hàm lượng khoa học chưa cao. Thời gian tới, cần có những nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu, số lượng, chất lượng các đề tài KHCN cho sát với thực tiễn. Ưu tiên phân bổ kinh phí, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao vai trò của các cấp, ngành trong hoạt động KHCN.

Đồng thời, trong giai đoạn tới cần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, đứt đoạn, thiếu sự kết nối “4 nhà” trong hoạt động KHCN; đẩy mạnh các hoạt động liên kết KHCN, đặc biệt các hoạt động KHCN liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tập trung nhiều hơn cho hoạt động khoa học ứng dụng, sản xuất hàng hóa theo hướng công nghệ cao. Lấy thước đo là mức sống, thu nhập của người dân; tạo được sức mạnh của miền núi trong nền kinh tế thị trường.