Khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

05:14 PM 20/04/2017 |   Lượt xem: 5170 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải (ngồi giữa) dự Lễ Khai mạc Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

Dự khai mạc có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Sơn Hải, Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TƯ, địa phương và đại diện cộng đồng 8 dân tộc Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An), Khơ Mú (Điện Biên), Dao (Hà Nội), Tày (Thái Nguyên), Êđê (Đắk Lắk), Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế), Khmer (Sóc Trăng).

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết:Trong những năm qua,được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng về công tác dân tộc và văn hóa dân tộc. Năm 2016 Bộ VHTTDL đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về giải pháp trong sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số; mở 15 lớp tập huấn cho nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa; truyền dạy văn hóa phi vật thể của các dân tộc có số dân dưới 5 nghìn người; tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả 15 năm bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các dân tộc thiểu số… góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Bộ rưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tuy đã có chuyển biến nhưng văn hóa truyền thống các dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức. Văn hóa truyền thống một số dân tộc thiểu số có nguy cơ cao bị mai một, biến dạng; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Một số truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, phát triển những giá trị mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều chính sách cuả Nhà nước thực hiện thông qua các đề án, dự án còn thiếu kinh phí để triển khai, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số rất khó khăn thực hiện.

Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa, có chính sách, biện pháp thiết thực, phù hợp để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc

Ngay sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Những bông hoa đất Việt” do các nghệ sỹ của 13 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ nhân biểu diễn. Chương trình gồm 6 phần đã giới thiệu bản sắc văn hóa độc đáo của 54 dân tộc anh em thông qua các tiết mục nghệ thuật ca, múa, nhạc. Qua đó, người xem có thể cảm nhận được giá trị văn hóa, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Những bông hoa đất Việt” tại Lễ Khai mạc.

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra từ 19 - 23/4, tại “Ngôi nhà chung” sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Trưng bày, triển lãm và trình diễn “Tre, nứa trong đời sống âm nhạc dân tộc Việt Nam”; tái hiện lễ hội truyền thống “Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô, tỉnh Hà Giang”....; trình diễn thể thao dân tộc và yoga; chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc và giới thiệu đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa…

Các hoạt động góp phần tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, đầy sức sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” - Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

PV