Nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh Hoà Bình - 19-10-1958

07:40 AM 21/12/2015 |   Lượt xem: 4217 |   In bài viết | 

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm đồng bào, cán bộ, bộ đội và các cháu.

Đồng bào, cán bộ, bộ đội tỉnh nhà trong kháng chiến đã có nhiều thành tích rất anh dũng. Từ hoà bình lập lại, đồng bào đã cố gắng sản xuất, giữ trật tự trị an, đoàn kết giữa các dân tộc. Như thế là rất tốt. Trung ương Đảng, Chính phủ có lời ngợi khen đồng bào, cán bộ, bộ đội.

Ở đây có bộ đội và đồng bào miền Nam tập kết. Bộ đội và đồng bào miền Nam cũng ra sức tăng gia sản xuất, ra sức giúp đỡ đồng bào địa phương. Đồng bào địa phương cũng có quan hệ tình cảm với bộ đội, đồng bào miền Nam tập kết. Như thế là tốt. Nhưng cũng cần cố gắng hơn nữa.

Bây giờ nói chuyện về làm ăn.

Đồng bào tỉnh nhà ngày nay làm ruộng đã biết dùng phân; nhưng những nơi biết dùng còn dùng ít quá và còn nhiều nơi chưa biết dùng. Nhiều phân thì nhiều lúa, ít phân thì ít lúa, không phân lúa rất xấu.

Bỏ nhiều phân rồi phải có nước, phải cày sâu. Có cày sâu phân mới ăn sâu xuống đất, rễ mới đâm sâu; rễ có đâm sâu, cây mới cao mới tốt. Đồng bào trên này cày rất nông, chỉ khoảng 7, 8 phân.

Vụ mùa này, đồng bào cố gắng được 2 tấn 1; so với trước thế là tiến bộ, nhưng tiến bộ còn ít, phải cố gắng hơn nữa. Vụ chiêm tới, trên tỉnh định 30 tạ, xuống huyện lên 34 tạ, có xã định 38 tạ. Nếu biết tổ chức, tuyên truyền, giải thích rõ ràng, thì đồng bào sẽ còn cố gắng hơn nữa.

Muốn sản xuất nhiều, lại phải có tổ chức; vì người càng nhiều sức càng mạnh, làm công việc càng nhanh, càng tốt; nếu ít người, sức yếu, làm không nhanh không tốt. Ví dụ: làm ruộng thì phải chống hạn, bắt sâu. Một gia đình có đào được mương không? Có bắt được hết sâu không? Không! Phải có cả xã, cả huyện, cả tỉnh mới chống được hạn, trừ được sâu. Tỉnh nhà có tiến bộ là đã tổ chức được 6.800 tổ đổi công, nhưng tổ thường xuyên còn ít, mới có 2.200 tổ. Mỗi tổ nghe nói chỉ có 3, 4 gia đình, tổ nhiều nhất chỉ có 13 gia đình. Như thế là ít quá. Muốn khơi mương, 13 gia đình có làm được không? Không! Phải nhiều hơn nữa. Đồng bào Hoà Bình cũng đông người; trước đây chưa tổ chức lại, nay đã biết tổ chức lại, đó là tiến bộ, nhưng tổ chức còn nhỏ quá. Nên tuyên truyền giải thích cho đồng bào hiểu rõ tổ chức to có lợi như thế nào, để đồng bào tự nguyện tự giác tổ chức lại cho to hơn.

Về sản xuất, cố gắng sản xuất lương thực, trước hết là thóc, thế là đúng; nhưng hình như đồng bào chưa chú ý đầy đủ hoa màu như ngô, khoai, sắn. Hoa màu cũng cần làm tốt.

Muốn lúa tốt, hoa màu tốt, cần nhiều phân. Phân thì có phân xanh, phân người, phân chuồng. Phân người, nước giải, phân chuồng là quý nhất. Muốn có nhiều phân chuồng, phải nuôi nhiều trâu, bò, lợn.

Sản xuất có nhiều mặt như thế, muốn chú ý khắp mọi mặt, phải tổ chức đổi công. Tổ chức ra phải làm việc thật sự, không phải để báo cáo lên huyện, lên tỉnh mà thật sự không hoạt động.

Bây giờ nói về bình dân học vụ. Đồng bào đã cố gắng và có tiến bộ nhưng còn phải cố gắng hơn nữa. Hiện nay nhiều nơi đã xoá xong nạn mù chữ rồi; tỉnh nhà vẫn chưa xoá xong. Vậy đồng bào có cố gắng được không? Những nơi xoá nạn mù chữ đều được thưởng huân chương. Đồng bào có muốn được thưởng huân chương không? Nếu có, thì phải cố gắng dạy và học.

Bây giờ nói đến công trường. Anh em công trường có nhiều cố gắng, đã tiết kiệm mỗi cây số 3 triệu đồng. Đó là tốt. Nhưng một mặt, cán bộ kỹ thuật tính không sát, tính theo cách bảo thủ, quan liêu; không thấy rằng công nhân, nông dân họ hiểu, họ ra sức làm thì tốn ít tiền nhưng được nhiều công việc. Cho nên, chúng ta có thể dùng ít tiền, ít thời giờ mà làm được nhiều công việc nếu chúng ta biết dựa vào công nhân, nông dân.

Bây giờ nói về cán bộ. Cán bộ trong cũng như ngoài Đảng trước khi nhận nhiệm vụ đều hứa hết lòng hy sinh vì Đảng, vì cách mạng. Hết lòng là chỗ nào nhân dân cần thì mình đi chỗ ấy. Nếu có người muốn về xuôi, đổi công việc, xin về sản xuất, thế có phải là hết lòng hết sức không? Thế là tự dối mình, là dối Đảng, dối nhân dân. Đã là người cán bộ thì không ai muốn dối như thế. Vì thế phải yên tâm công tác. Ví dụ: ở rẻo cao, công tác khó khăn nhưng chỗ ấy đồng bào, Đảng và Chính phủ đang cần mình, mình phải làm. Thế mới xứng đáng là người cán bộ.

Về kỷ luật lao động, Bác nói về hiện tượng đi muộn về sớm. Cơm mình ăn, áo mình mặc là của ai? Là của nhân dân trả lương cho mình để mình làm mỗi ngày 8 tiếng. Nhưng đi muộn, về sớm, là ăn bớt của nhân dân. Như thế có xứng đáng là người cán bộ không? Ngày nay, nhân dân ngày càng tiến bộ. Người cán bộ giúp đỡ hướng dẫn, lãnh đạo nhân dân mà không tiến bộ thì sẽ lạc hậu. Vì vậy, cán bộ phải học tập chính trị, nghiệp vụ.

Bây giờ, Bác nói đến khuyết điểm:

1. Cán bộ, đồng bào có một số sợ khó khăn, không muốn cải tiến cách làm việc, không muốn cải tiến kỹ thuật. Cái đó là do bảo thủ, do ngại khó, vì đời ông đời cha làm thế nào thì nay cứ làm như thế. Phải dần dần sửa chữa khuyết điểm đó mới sản xuất tốt được.

2. Đồng bào tỉnh nhà trước đây 13, 14 năm cũng như đồng bào cả nước là nô lệ cho Pháp. Nay có cách mạng, có kháng chiến đuổi được chúng nó nên không phải làm nô lệ nữa. Bây giờ khác trước rồi, cho nên cách làm việc cũng phải khác. Trước đây, mỗi ngày làm việc rất ít, thời giờ nghỉ thì nhiều. Bây giờ phải làm nhiều hơn. Làm nhiều thời giờ thì được nhiều công việc hơn. Ví dụ: cuốc 4 tiếng trồng được 4 thước ngô, thì cuốc 8 tiếng trồng được 8 thước. Vì vậy, muốn đủ ăn đủ mặc, muốn tỉnh nhà giàu mạnh, phải thêm thời giờ làm việc.

3. Đồng bào nấu rượu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì:

- Rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo.

- Uống nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Đồng bào cần giúp nhau sửa chữa khuyết điểm đó.

4. Đồng bào còn tục lệ ma chay, cưới hỏi ăn uống lu bù. Mình ăn vài bữa, nhưng nhà có con cưới hỏi, có người chết thì mắc nợ phải đi vay. Phải bán trâu, bán ruộng. Thế là xa xỉ. Không tốt.

Nhiệm vụ toàn Đảng, toàn dân hiện nay là xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thống nhất nước nhà. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất, phải tổ chức đổi công, hợp tác xã, tăng thêm thời giờ làm việc. Nhưng nếu tăng gia được bao nhiêu lãng phí bấy nhiêu thì tăng gia không kết quả. Vì vậy, tăng gia phải đi đôi với tiết kiệm. Tăng gia được nhiều, tiết kiệm được nhiều, đời sống miền Bắc được nâng cao, như thế là miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Cái đó lại khuyến khích đồng bào miền Nam đấu tranh mạnh với Mỹ - Diệm. Như thế thì nước nhà nhất định mau thống nhất.

Muốn làm được như thế, đồng bào, cán bộ, bộ đội, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải làm gương mẫu trong mọi việc: trong sản xuất, trong học tập, trong cải tiến kỹ thuật. Đồng thời Bác nhắc thêm đồng bào, cán bộ cần chú ý giúp đỡ đồng bào rẻo cao, vì ở đấy làm ăn khó nhọc hơn, văn hoá cũng phát triển chậm hơn.

Nói tóm lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội có tiến bộ nhưng phải cố gắng tiến hơn nữa, không nên cho thế là đủ, rồi tự mãn. Nhưng cũng có những khuyết điểm như Bác nói, cần phải sửa chữa. Nhiệm vụ của đồng bào, cán bộ, bộ đội hiện nay là:

- Đoàn kết hơn nữa giữa các dân tộc, giữa quân dân, giữa lương và giáo.

- Cố gắng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm.

- Nên tổ chức tốt hơn nữa tổ đổi công và hợp tác xã, vì có như thế tăng gia sản xuất mới có nhiều kết quả.

- Phải cảnh giác, vì ta xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, bọn Mỹ - Diệm sẽ tìm cách phá hoại.

Nếu đồng bào, cán bộ, bộ đội cố gắng phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, càng ngày càng tiến bộ, như thế là trực tiếp tham gia một cách thiết thực xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa hội, thiết thực đấu tranh thống nhất nước nhà, đưa nước Việt Nam đến hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và phú cường.

Cuối cùng, Bác hỏi thăm cán bộ, bộ đội và đồng bào ở nhà và các cô, các chú nhớ nói lại những lời của Bác cho đồng bào cùng rõ.

 

Nói ngày 19-10-1958

 

(Hồ Chí Minh toàn tập, t.9, tr. 239-243)