Tăng cường công tác quản lý nguồn vốn trong thực hiện Chương trình 135
02:38 PM 13/03/2017 | Lượt xem: 6610 In bài viết |Ngày 10/3, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Ban Phát triển - Đại sứ quán Ailen tổ chức Hội thảo về tăng cường công tác quản lý đối với nguồn lực của Chính phủ Ailen cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và chia sẻ kinh nghiệm đối với các địa phương qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước kiểm toán nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ailen. Ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 và bà Réachbha Fitzgerald, Phó Ban Phát triển, Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Kiểm toán Nhà nước; một số Bộ, ngành liên quan; một số Vụ, đơn vị của UBDT và Ban Dân tộc 9 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh) tham gia thực hiện công tác kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về kết quả thực hiện nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Ailen cho các dự án công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135..
Trong giai đoạn 2007 – 2012, Chính phủ Ailen đã viện trợ Chính phủ Việt Nam 43 triệu Euro; giai đoạn 2013 – 2015, viện trợ tối đa 13,29 triệu Euro (mỗi năm 4,43 triệu Euro), nâng tổng mức viện trợ tối đa lên đến 56,29 triệu Euro đã góp phần cùng Chính phủ Việt Nam triển khai công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua cơ chế của Chương trình 135.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Resachbha Fitzgerald cho biết, thông qua các gói hỗ trợ cho Chương trình 135 để xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại những vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa ở Việt Nam đã góp phần hoạch định chính sách hiệu quả hơn, tăng cường tiếp cận và thực hiện các dịch vụ xã hội ở cấp trung ương và địa phương, nâng cao năng lực của người dân để họ đóng vai trò tích cực hơn trong việc phát triển cộng đồng mình. Bà cũng cho biết thêm, trong năm 2016, Ailen đã hợp tác với Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt kiểm toán tại 9 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum, Trà Vinh và Quảng Trị. Thông qua những lưu ý của Kiểm toán Nhà nước đã rút ra những khuyến nghị nhằm góp phần tăng cường năng lực cho việc hoạch định chính sách hiệu quả hơn, tăng cường tiếp cận và thực hiện các dịch vụ xã hội ở cấp trung ương và địa phương, nâng cao năng lực của người dân để họ đóng vai trò tích cực hơn trong việc phát triển cộng đồng của mình.
Bà Resachbha khẳng định, phía Ailen sẽ tiếp tục cùng hợp tác với Chính phủ Việt Nam mang lại những gói hỗ trợ phù hợp và hiệu quả nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.
Qua một số điểm cần lưu ý của kết quả kiểm toán năm 2013 trong thực hiện gói hỗ trợ thuộc Chương trình 135 do Chính phủ Ailen tài trợ, phía Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra khuyến nghị: Thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, đồng thời phân cấp, ủy quyền cho một đầu mối tại cơ quan trung ương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm. Tăng cường công tác quản lý tổng hợp trên địa bàn các tỉnh, kịp thời điều chỉnh nguồn vốn giữa các địa phương hoặc trong địa bàn của từng địa phương. Xem xét đầu tư đúng nhu cầu đồng thời đẩy nhanh công tác quyết toán và bố trí kinh phí duy tu bảo dưỡng để đảm bảo hiệu quả sau đầu tư. Xem xét tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư cần đảm bảo sự đồng bộ; xem xét việc giao xã làm chủ đầu tư để nâng cao chất lượng công trình; nghiên cứu thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư, trong đó thí điểm giao cho tổ chức xã hội tham gia thực hiện chương trình. Nghiên cứu cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cho các xã đặc biệt khó khăn, địa điểm đầu tư xa trung tâm, đi lại liên kết vùng không thuận lợi để có cơ chế quản lý đặc thù; giảm thủ tục hành chính và quy trình đầu tư, tăng cường phân cấp gắn với chịu trách nhiệm theo đặc thù từng vùng.
Các đại biểu đánh giá cao và nhất trí với những khuyến nghị của Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại Hội thảo, đồng thời đề cập tới một số khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện gói hỗ trợ như: Trình độ năng lực của cán bộ xã của nhiều tỉnh còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc chọn chủ đầu tư và quyết toán; địa hình phức tạp, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng; hạ tầng cơ sở được đầu tư nhưng chưa đồng bộ; thủ tục còn rườm ra gây khó khăn trong công tác làm thầu và quyết toán… Các đại biểu đề xuất phía Ailen tiếp tục có các gói hỗ trợ phù hợp đối vùng cao, vùng miền núi, chú trọng các gói hỗ trợ nâng cao năng lực cho các địa phương nhằm thúc đẩy mục tiêu xã làm chủ đầu tư; đề nghị được cấp vốn sớm, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quyết toán; hỗ trợ kinh phí giám sát để cơ sở, cộng đồng cùng phối hợp thực hiện; được sử dụng nguồn vốn còn dư lại để duy tu bảo dưỡng hoặc sử dụng cho các công trình khác cùng hạng mục đầu tư; rút gọn công tác thanh tra, đồng thời tăng cường giám sát ở cơ sở; giảm số lượng công trình đầu tư, tăng định mức nhằm phát huy chất lượng được đầu tư.
Phía Ủy ban Dân tộc và Cơ quan viện trợ Ailen nhất trí với ý kiến từ các đại biểu và mong rằng, với kết quả kiểm toán, kinh nghiệm, phản ánh của địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong triển khai nguồn vốn viện trợ cho các năm tiếp theo và thực hiện tốt Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.
Kim Thu