Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn tham gia Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương làm việc với Thành ủy Cần Thơ

08:29 AM 27/07/2023 |   Lượt xem: 3248 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

TP. Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là đô thị trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng và là đầu mối giao thông thủy, bộ của khu vực. Thành phố có 5 quận, 4 huyện, 36 xã, 42 phường, 5 thị trấn. Hiện trên địa bàn Thành phố có 27 DTTS sinh sống với 9.895 hộ, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số toàn Thành phố (trong đó đồng bào dân tộc Khmer có 6.198 hộ, với 23.691 người, chiếm tỷ lệ 62,3% tổng dân số DTTS).

Theo báo cáo về kết quả 25 năm thực hiện Thông báo số 165-TB/TW, ngày 4/9/1998, của Thường vụ Bộ Chính trị (nay là Ban Bí thư) về chủ trương đối với Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) trong tình hình mới, trên địa bàn thành phố hiện có 13 tôn giáo, với 27 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động, có 3 cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, 551 chức sắc, 2.023 chức việc, 499.027 tín đồ các tôn giáo (chiếm tỷ lệ trên 40% dân số thành phố). 

TP. Cần Thơ là một trong những địa phương có nhiều tín đồ theo đạo PGHH với 242.400 tín đồ, chiếm tỷ lệ 20,17% dân số. Tín đồ PGHH sống tập trung đông nhất là quận Thốt Nốt, quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và huyện Vĩnh Thạnh. Tín đồ PGHH chủ yếu làm nghể nông và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm Hiến chương của Giáo hội PGHH, thực hành các nghi lễ theo đúng giáo lý, giáo luật. Trong thời gian qua, đồng bào PGHH đã tích cực tham gia phong trào toàn dân yêu nước, các hoạt động từ thiện, góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh...

Về kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới, theo báo cáo của Thành ủy Cần Thơ, đồng bào dân tộc Khmer phần lớn theo Phật giáo Nam tông Khmer, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gắn với các chùa. Toàn Thành phố hiện nay có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 1 Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước với 29 thành viên và 1 Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thành phố quan tâm chăm lo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao, từng bước giảm nghèo hiệu quả...

Ông Đỗ Văn Phới - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương thay mặt đoàn công tác phát biểu kết luận buổi làm việc tại Thành ủy Cần Thơ

Phát biểu bổ sung, gợi mở cho các đại biểu trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề trong báo cáo của Thành ủy Cần Thơ. Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Nông Quốc Tuấn đánh giá cao TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo trong thời qua, việc này thể hiện qua báo báo rất rõ ràng, cụ thể từng phần việc. 

“Các đồng chí đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và các bộ, ngành về công tác dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt đối với đồng bào Khmer đã triển khai rất hiệu quả thông qua việc cụ thể hóa Chỉ thị 19. Trong thời gian sắp tới, TP. Cần Thơ cần quan tâm xây dựng lộ trình phát triển các DTTS khi thành phố có nhiều thành phần dân tộc sinh sống trên địa bàn; Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo cho các vị Người có uy tín, kịp thời tuyên dương các gương điển hình về văn hóa, giáo dục, mô hình sinh kế...", Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu đáp từ và làm rõ thêm những vấn đề đoàn công tác đặt ra, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Xác định công tác dân tộc và tôn giáo là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài, từ đó, Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo các cấp đảng, Sở, Ban ngành tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS và đã có hiệu quả tích cực. Các chương trình mục tiêu giảm nghèo, chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng được triển khai sâu rộng và đạt hiệu quả. 

Công tác an sinh xã hội có bước chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm, số hộ khá, giàu trong đồng bào dân tộc Khmer ngày càng tăng. Các giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; đồng bào luôn phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức trách nhiệm, làm tốt nghĩa vụ công dân, sống hòa nhập cộng đồng, tương trợ giúp nhau trong sản xuất và đời sống. 

"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc ngày càng chất lượng và hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo trên địa bàn", Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh. 

 

Các thành viên đoàn công tác nêu ý kiến để làm rõ hơn các vấn đề nêu trong báo cáo của Thành ủy Cần Thơ

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Phới - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của TP. Cần Thơ trong những năm qua. Ông đề nghị TP. Cần Thơ tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào PGHH thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn; triển khai và thực hiện tốt các quy định liên quan đến PGHH; tăng cường đoàn kết các tôn giáo góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; tiếp tục quan tâm xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong tôn giáo; chú trọng phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; bồi dưỡng, đào tạo và phát huy vai trò của các cán bộ làm công tác tôn giáo, dân tộc ở địa phương…

Bên cạnh đó, để công tác chăm lo cho đồng bào DTTS trên địa bàn được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới, TP. Cần Thơ cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; quan tâm giải quyết sinh kế, việc làm trong đồng bào dân tộc Khmer, hướng tới giảm nghèo bền vững. Thành phố cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục, tạo nhiều thuận lợi trong việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết Khmer; tiếp tục phát huy phong trào đại đoàn kết toàn dân tộc trong đồng bào; phát huy vai trò của các vị sư Phật giáo Nam tông Khmer, vai trò của Người có uy tín...

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới cũng thay mặt Đoàn tiếp thu các kiến nghị của các đại biểu để xem xét, tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Ban Bí thư trong thời gian tới.

(baodantoc.vn)