Cải cách hành chính là nhiệm vụ đột phá

11:20 PM 07/05/2018 |   Lượt xem: 14104 |   In bài viết | 

Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác Cải cách hành chính của UBDT

Cải cách hành chính hiệu quả là thực hiện học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người… theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII.

Trong những năm qua, nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những mặt công tác trọng tâm của Ủy ban Dân tộc (UBDT). Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBDT mà công tác này đang được tập trung triển khai có hiệu quả, góp phần thiết thực vào thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức và cơ quan hành chính Nhà nước, UBDT đã triển khai thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017" với những nội dung trọng tâm như: Thực hiện tốt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của UBDT theo Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/2/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBDT; tổng rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bộ thủ tục hành chính, quy trình, quy chế làm việc của các đơn vị.

Bên cạnh đó, UBDT đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, trong đó yêu cầu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, các quy trình, quy chế làm việc, nâng cao phẩm chất đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, đề cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Hội thảo góp ý hoàn thiện Cổng thành phần CCHC của UBDT

UBDT là cơ quan tham mưu, nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách dân tộc, chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thời gian qua, UBDT cùng với các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách, cơ chế để hỗ trợ người nghèo, người DTTS, nhất là chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí... Chính vì vậy, vấn đề xây dựng văn bản kịp thời đúng và trúng với thực tiễn ở cơ sở là điều rất quan trọng. Cụ thể hơn là, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác CCHC nên trong những năm gần đây, công tác tham mưu cho Chính phủ về chính sách dân tộc và thực hiện công tác dân tộc luôn đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chính từ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBDT nên một số mặt công tác vốn trước đây còn tồn tại, yếu kém đã được giải quyết triệt để. Điển hình như công tác lập, phổ biến kế hoạch, chế độ báo cáo theo từng giai đoạn, công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức đã được quan tâm đúng mức… Đặc biệt, vấn đề lớn nhất của UBDT trong công tác CCHC là tiếp tục củng cố, tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân tộc.

Thực tế những năm gần đây, chỉ số về ứng dụng CNTT của UBDT liên tục tăng trong khối các bộ, ngành. Năm 2016, UBDT tăng đến 11 bậc trong báo cáo về ứng dụng CNTT do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Đây là một điều đáng mừng và thể hiện quyết tâm CCHC của UBDT.

Để có được thành tích trên, từ vài năm trở lại đây, UBDT đã liên tục xây dựng và hoàn thiện việc nâng cấp hạ tầng CNTT, đồng thời, triển khai hướng dẫn khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đến toàn bộ các đơn vị thuộc UBDT. Hiện nay, 100% đơn vị trực thuộc sử dụng mạng nội bộ để trao đổi công việc. Thời gian tới, UBDT hướng đến việc sử dụng CNTT trong việc tập huấn, triển khai, quán triệt các văn bản, chương trình, chính sách đến từng đầu mối cơ sở, góp phần giảm bớt các thủ tục và cắt giảm chi phí hành chính.

Năm 2017, UBDT đã tập trung triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, tuyên truyền CCHC, nâng cao chất lượng công tác ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch CCHC đã ban hành. Tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện quá hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã giảm đáng kể. Trong lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, UBDT đã xây dựng xong vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức tại các Vụ, đơn vị.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong công tác CCHC, nhưng UBDT vẫn có những hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng chỉ số CCHC, đó là dịch vụ công trực tuyến chưa được thực hiện một cách hiệu quả. UBDT là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách dân tộc, chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm DTTS rất ít người và tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đề án sau khi ban hành. Đặc biệt, đối tượng phục vụ của UBDT là đồng bào DTTS sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và luôn là khu vực gặp khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, dân trí còn nhiều hạn chế. Đây chính là điểm khác biệt trong đối tượng phục vụ giữa UBDT và các Bộ, ngành khác, đồng thời cũng quyết định đến kết quả công tác CCHC của UBDT.

Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra ngày càng cao về công tác CCHC không chỉ đòi hỏi cán bộ, công chức  có phẩm chất, đạo đức tốt, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn cần phải có nguồn lực để đầu tư, trước hết là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. CCHC chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta cải cách cả về con người và cần có quyết tâm thực sự cho "đến đầu đến đũa" chứ không thể làm theo kiểu "đánh trống, bỏ dùi".

Tuấn Hà