Ban Dân tộc tỉnh An Giang thăm, tặng quà đồng bào Chăm (Islam) xã Châu Phong, thị xã Tân Châu nhân dịp Tết Roya Haji

03:45 PM 15/08/2018 |   Lượt xem: 3132 |   In bài viết | 

Ông Lê Văn Khóm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang tặng quà cho giáo cả đại diện cộng đồng Chăm tại thánh đường Mu-ha-ma-đi-yá xã Châu Phong

Đoàn đã đến thăm thánh đường Nia-Mách, thánh đường Mu-ha-ma-đi-yá, thánh đường Mu-Ba-Rắc và thánh đường A-har. Tại mỗi nơi đến thăm, thay mặt đoàn, Phó trưởng Ban Dân tộc Lê Văn Khóm đã gửi lời chúc đến các vị giáo cả, các tín đồ Hồi giáo trong cộng đồng người Chăm, dòng Islam xã Châu Phong đón một cái Tết Roya Haji an lành, hạnh phúc. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đánh giá cao tình đoàn kết dân tộc, sự tích cực trong việc chung sức xây dựng quê hương của đồng bào dân tộc Chăm dòng Islam xã Châu Phong. Nhân dịp này, Đoàn công tác tặng cho mỗi thánh đường 3 phần quà, chúc mừng Tết Roya Haji năm 2018.

Người Chăm ở Châu Phong hiện có khoảng 1.200 hộ, Tết Roya Haji năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 23 tháng 8. Đây là một trong những ngày hội lớn của đồng bào Chăm dòng Islam. Vào những ngày này, họ sẽ mặc trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất. Đặc biệt, khi ra đường gặp nhau, họ đều phải nói “Am má” (xin tha thứ). Chính vì thế, ý nghĩa đầu tiên của Tết Roya Haji là xin lỗi và tha thứ. Ngoài ra trong ngày Tết Roya Haji, người Chăm thực hiện nghi lễ làm thịt một con vật như bò, dê, cừu… để dâng lễ lên thánh Alla. Sau khi con vật được làm thịt sẽ phân phát cho bà con trong làng cùng thưởng thức. Bên cạnh đó, gia đình làm ăn dư giả trong năm khi đến ngày này sẽ trích ra một khoản tiền để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Điều này giúp cộng đồng người Chăm dòng Islam thêm tình gắn bó, thân thiết, nên Tết Roya Haji còn được gọi là “Roya yêu thương”.

Ông Huỳnh Quang Ngự, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thị xã Tân Châu tặng quà tại thánh đường Mu-Ba-Rắc xã Châu Phong

Du khách đến thăm làng Chăm ở Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) vào dịp này sẽ được các gia đình người Chăm tiếp đãi chân tình, nồng hậu, điều này đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo, thú vị khi đến làng Chăm Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang.

Ngọc Thạnh