Nâng cao chuẩn tiếp cận pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

09:38 AM 28/04/2020 |   Lượt xem: 2397 |   In bài viết | 

Đồng bào dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) tham dự buổi tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

Ông Thổ Út, Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh cho hay, trong các buổi tuyên truyền, các đơn vị luôn chú trọng chọn những nội dung tuyên truyền ngắn gọn, thiết thực để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Qua đó, giúp đồng bào hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật; duy trì, phát huy nét văn hóa, tập quán tốt đẹp; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

* Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Trong những năm qua, để nâng chuẩn tiếp cận pháp luật của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tư pháp cùng các ban, ngành, địa phương triển khai nhiều mô hình, cách làm thiết thực. Ngoài việc trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại các ấp, khu dân cư; các đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động khác như: phát triển mạng lưới trợ giúp pháp lý miễn phí rộng khắp từ tỉnh đến các huyện;  thành lập các CLB pháp luật; xây dựng mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, tủ sách pháp luật...

“Việc chăm lo, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đồng bào các DTTS trên địa bàn hiện nay cũng được chú trọng như việc giảm nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế trong các vùng đồng bào DTTS. Người dân có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu pháp luật và nhiều địa chỉ đáng tin cậy để được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý” - ông Thổ Út chia sẻ.

Vốn là người tâm huyết với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào DTTS, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luât gia tỉnh) cho biết, công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào DTTS nên chọn điều thiết thực, gần gũi và phổ biến, thường gặp trong cuộc sống của đồng bào để phổ biến, truyền thông. Đồng thời, khuyến khích đồng bào áp dụng các tập quán tốt đẹp trong ứng xử, giải quyết xung đột. Bởi trong luật ngoài lý còn có tình, mà cái tình của luật là các phong tục tập quán, cách ứng xử đoàn kết, thân thiện giữa người với người, cộng đồng, xã hội nên rất thích hợp với tập tính, suy nghĩ của đồng bào.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Chính nhờ hiểu biết pháp luật trong đồng bào DTTS tại Đồng Nai ngày càng được nâng cao nên trong thời gian qua những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng các DTTS rất ít xảy ra hoặc nếu có phát sinh cũng được chính quyền địa phương, người có uy tín kịp thời giải quyết. Phần lớn các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hộ dân đều được hòa giải thành công. Đa phần người DTTS ở các địa phương trong tỉnh ứng xử với nhau chân tình, chấp hành theo đúng pháp luật.

10 năm trước vì kinh tế khó khăn, ông Đ.K., người dân tộc S’tiêng (ngụ xã Phú An, H.Tân Phú) bán cho ông T.V.T. (cùng địa phương) 5 sào đất rẫy với giá rẻ (chỉ nói miệng, không có giấy tờ). Nay khu đất này có giá trị cao nhưng ông K. vẫn sẵn sàng ký xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng đất để cho ông T. làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Đất đã bán cho người khác rồi thì phải làm theo đúng quy định pháp luật là có trách nhiệm giúp đỡ họ làm thủ tục giấy tờ, không được gây khó dễ vừa vi phạm pháp luật, vừa mất tình cảm” - ông K. nói.

Nhờ tiếp cận chính sách pháp luật đầy đủ, kịp thời nên đồng bào dân tộc Chăm tại khu định canh, định cư ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) luôn giữ niềm tin vào chính quyền địa phương; tích cực xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn những tập quán tốt đẹp trong ứng xử với nhau, tuân thủ pháp luật; không để các đối tượng xấu kích động, xúi giục...

Ông Đô Hô Sên, người có uy tín ở ấp 10, xã Bình Sơn chia sẻ, nhờ các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật do các ngành, các cấp, địa phương tổ chức, đồng bào DTTS ở đây hiểu rõ hơn các quy định pháp luật để biết cách hạn chế những rủi ro trong làm ăn kinh tế và tránh bị kẻ xấu lợi dụng, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

(baodongnai.com.vn)