Đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến môi trường và đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi
02:18 PM 06/05/2020 | Lượt xem: 3892 In bài viết |Sáng 06/5/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức họp Hội đồng thẩm định Đề cương dự án bảo vệ môi trường: Đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến môi trường và đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. TS. Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có các thành viên Hội đồng, đại diện một số vụ, đơn vị và nhà khoa học.
Thời gian qua, ngành du lịch và nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư, khai thác, phát triển du lịch ở khu vực DTTS và miền núi. Các hoạt động du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, khai thác cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, theo các phương thức truyền thống và hiện đại. Sức thu hút của du lịch ở vùng dân tộc và miền núi từng bước tăng lên, giá trị và sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch được khai thác và khẳng định, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH) rõ rệt.
Hoạt động du lịch góp phần bảo tồn và đa dạng hóa sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Phát triển du lịch sẽ là một trong những nguồn lực sinh kế quan trọng của đồng bào các dân tộc, tạo cơ hội việc làm, chuyển đổi và đa dạng hóa hoạt động sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân các dân tộc. Nhờ vậy, hoạt động du lịch góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi. Đồng thời, du lịch góp phần khơi dậy, khôi phục và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc; trực tiếp góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của cộng đồng các DTTS.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở vùng này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục. Một số nơi tốc độ phát triển du lịch nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ hoặc thiếu quy hoạch tổng thể, có nơi chỉ mới chú ý khai thác tài nguyên mà chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, di sản. Hoặc hoạt động du lịch đã được chú trọng đầu tư nhưng lại xem nhẹ việc bảo vệ tài nguyên môi trường của điểm du lịch… Bên cạnh đó, nhiều tiềm năng du lịch ở vùng dân tộc, miền núi hầu như chưa được khai thác nhiều, hoặc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Trước những thực trạng trên, việc triển khai Dự án sẽ góp phần: Nghiên cứu làm rõ các vấn đề lý luận về tác động của du lịch đến môi trường và đời sống của người dân ở vùng DTTS và miền núi; Làm rõ thực trạng môi trường và đời sống của người dân ở các điểm du lịch vùng DTTS và miền núi; Đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến môi trường và đời sống của người DTTS và đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững tại vùng DTTS và miền núi.
Thảo luận và góp ý về Đề cương của Dự án, các thành viên Hội đồng cùng đánh giá đề cương đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Một số ý kiến đề nghị: Bổ sung thêm tác động liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc để tăng tính hiệu quả và bền vững; làm rõ tính cấp thiết của Dự án trong bối cảnh, xu thế hiện nay; phân tích tiêu chí, cách đánh giá tác động và đặc điểm tài nguyên du lịch vùng DTTS để làm căn cứ thu thập thông tin, điều tra...
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải nhấn mạnh: Các kết quả của Dự án sẽ góp phần cụ thể, đóng góp tích cực cho việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thứ trưởng đề nghị: cần làm rõ hơn cách tiếp cận, đối tượng và địa bàn triển khai của Dự án; bảng hỏi cần được thiết kế đơn giản, dễ trả lời. Các vấn đề, nội dung đặt ra cần phải giải quyết hiệu quả sự tác động của mối quan hệ giữa sinh kế và môi trường trong phát triển du lịch vùng DTTS. Trên cơ sở các mô hình hiện có, cần có những tính gợi mở, khuyến nghị cụ thể để phát triển các mô hình đặc trưng cho từng dân tộc, từng vùng miền; tạo nhận thức đột phá, góp phần trong công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách...