Hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
04:34 PM 29/09/2018 | Lượt xem: 3206 In bài viết |Với mục tiêu hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu đến việc hoàn thiện lý luận và thực tiễn của công tác dân tộc, từ đó đề xuất các định hướng hoạch định công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Việt Nam đến năm 2030; thực hiện nhiệm vụ được giao, Học viện Dân tộc triển khai Đề tài “Hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay”.
Sáng 29/9, Học viện Dân tộc tổ chức Hội đồng tự đánh giá đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia Đề tài “Hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu về dân tộc và công tác dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay”. PGS. TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản là Chủ tịch Hội đồng. Tham dự phiên họp có TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) cùng các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học và thành viên thực hiện Đề tài.
Mục tiêu của Đề tài là hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu đến việc hoàn thiện lý luận và thực tiễn của công tác dân tộc, từ đó đề xuất các định hướng hoạch định công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Việt Nam đến năm 2030.
Thay mặt nhóm cán bộ nghiên cứu, PGS. TS. Trần Trung, Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo tóm tắt quá trình thực hiện, các sản phẩm chính, trọng tâm và những vấn đề đặt ra của Đề tài. Đề tài đã triển khai tổ chức 05 cuộc hội thảo, 15 tọa đàm tại nhiều cơ quan, bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố; thu thập các tài liệu nghiên cứu từ các sách chuyên khảo, đề tài nghiên cứu, luận án tiến sĩ, bài đăng tạp chí và trong các kỷ yếu hội thảo về dân tộc và công tác dân tộc từ năm 1986 đến nay. Từ việc hệ thống hóa các công trình nghiên cứu, Đề tài đánh giá mức độ thành công, đóng góp về lý luận và cơ sở khoa học, áp dụng vào thực tiễn để từ đó xác định những khoảng trống, những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, những đề xuất, đóng góp cụ thể để xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc giai đoạn tới.
Từ trên 3.000 tài liệu thu thập từ các thư viện, đề tài dự án của nhiều cơ quan, viện nghiên cứu, các bài báo, hội thảo khoa học, Đề tài đã hệ thống các nghiên cứu thành các nhóm như: hệ thống chính trị và cơ sở, mô hình và quản lý công tác dân tộc (CTDT), thiết chế xã hội truyền thống, hợp tác quốc tế trong CTDT, tuyên truyền và đổi mới nội dung dân vận, tôn giáo, tín ngưỡng tộc người, vấn đề xã hội tộc người, văn hóa tộc người, môi trường, kinh tế tộc người… Từ việc hệ thống các nghiên cứu, Đề tài đã đề xuất 10 hướng nghiên cứu về dân tộc và 6 hướng nghiên cứu về công tác dân tộc trong giai đoạn tới.
PGS. TS. Trần Trung, Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt về Đề tài và các kết quả nghiên cứu
Đánh giá cao các kết quả nghiên cứu và sản phẩm của Đề tài, các thành viên phản biện, thành viên hội đồng và các nhà khoa học đã thảo luận, góp ý để Đề tài được tiếp tục hoàn thiện. Một số ý kiến đánh giá cao khung nghiên cứu, với sự tổng hợp được rất nhiều tài liệu, từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, đây là sự nghiên cứu mang tính đa ngành, nên cần thiết phải chắt lọc các kết quả nghiên cứu, tập chung đánh giá những nghiên cứu quan trọng, chuyên sâu theo một khung thống nhất. Đề nghị Đề tài hoàn thiện thêm một số nội dung như: tổng hợp thêm một số nguồn tài liệu; hoàn thiện phương pháp tiếp cận, cách thống kê, phân nhóm dữ liệu; ghi rõ các nguồn trích dẫn của tài liệu trong báo cáo…
PGS. TS. Đoàn Minh Huấn, Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh: Các kết quả nghiên cứu của Đề tài đã thể hiện sự nghiên cứu bài bản, bám sát đề cương, mục tiêu và cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Ban Chủ nhiệm phân tách phần thống kê với các nội dung đánh giá, đề xuất. Ngoài ra cần phân tích sâu hơn các xu hướng nghiên cứu trong tình hình, bối cảnh hiện nay qua sự tác động đến chủ thể nghiên cứu. Từ việc xác định những định hướng ưu tiên trong CTDT, thay đổi cách tiếp cận, chọn ra những nội dung nghiên cứu mang tính chuyên sâu để đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp, phát huy hiệu quả của công trình nghiên cứu. Đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu đầy đủ các nội dung phản biện, góp ý của Hội đồng, của các nhà khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm của Đề tài.
Kim Hằng