Hội thảo công bố kết quả rà soát, đánh giá phân tích các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

02:35 PM 01/12/2016 |   Lượt xem: 2648 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các chuyên gia, tổ chức Quốc tế; đại diện Lãnh đạo, chuyên viên một số Vụ, đơn vị thuộc UBDT cùng đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc 13 tỉnh thành trên cả nước.

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nâng cao năng lực bình đẳng giới vùng DTTS của UBDT phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá phân tích các chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái DTTS đã phân tích về khung pháp luật và chính sách của Việt Nam liên quan tới quyền của phụ nữ và trẻ em gái DTTS từ góc độ chuẩn mực quy phạm quốc tế về quyền con người. Báo cáo tập trung đề cập và phân tích sâu về các lĩnh vực: Giáo dục; bạo lực đối với phụ nữ bao gồm nạn tảo hôn hoặc cưỡng hôn; chăm sóc sức khỏe chú trọng tới sức khỏe sinh sản; bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình; giấy chứng nhận sử dụng đất.

Theo đó, trong những năm qua, nhiều phụ nữ DTTS ở Việt Nam đã phải đối mặt với những rào cản mang tính cấu trúc và dai dẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ và việc làm. Họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử mang tính hệ thống trong những vấn đề như chăm sóc y tế cơ bản và quyền sử dụng đất; họ ít có khả năng được học hành, phải gánh phần lớn các công việc không được trả lương, nhiều trẻ em gái DTTS có nguy cơ kết hôn sớm hoặc hôn nhân ép buộc do thái độ gia trưởng và khuôn mẫu về giới. Hơn nữa, nhiều phụ nữ và trẻ em gái DTTS phải chịu đựng những phân biệt đối xử về giới, dân tộc phức tạp và khó phát hiện.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể trong bối cảnh của Việt Nam và thực trạng về điều kiện thiếu thốn và bất bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái DTTS. Các kết quả sẽ được sử dụng trong các khóa tập huấn nâng cao năng lực về giới và hoạch định chính sách, pháp luật dựa trên quyền cho những cán bộ hoạch định chính sách chủ chốt của UBDT, các bộ ngành có liên quan, các cán bộ cơ quan chính quyền cấp tỉnh và các tổ chức xã hội dân sự (CSOs). Họ sẽ được phổ biến những kiến thức và hiểu biết cần thiết, để sau này có thể đóng góp cho dự Luật về DTTS, dự thảo Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành DTTS giai đoạn 2016-2020 hoặc các biện pháp can thiệp khác nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái DTTS.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Cơ quan UN Women phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao những kết quả phân tích, đánh giá chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái DTTS, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để thực hiện tốt hơn, như: Cần phân tích sâu hơn nguyên nhân, những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp chi phối (dân trí, phong tục tập quán, pháp luật ); các chỉ tiêu thực hiện; xem xét các khuyến nghị cho phù hợp hơn; mục tiêu đặt ra phải rõ ràng hơn; bổ sung thêm khảo sát thực tiễn; nâng cao vai trò của các đơn vị tham mưu…

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng cơ quan UN Women chia sẻ: Với kinh nghiệm quốc tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái thuộc các nhóm DTTS, chủng tộc hoặc tín ngưỡng thường ít được tiếp cận hơn tới giáo dục, nguồn lực, việc làm và dịch vụ y tế. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng và phân biệt đối xử đa chiều, cần có sự chuyển dịch từ bình đẳng hình thức sang bình đẳng thực chất... Các ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo sẽ bổ sung cho các phát hiện trong lĩnh vực đã được xác định để có khuyến nghị tốt hơn cho việc xây dựng chính sách và luật pháp liên quan tới DTTS.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ DTTS nhấn mạnh: Bất bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tồn tại trong xã hội, vì vậy nghiên cứu đánh giá này được thực hiện từ góc độ quyền con người và phân tích giới các chính sách và luật pháp liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái DTTS là cần thiết. UBDT là cơ quan chủ trì phối hợp với các chuyên gia quốc tế và trong nước, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UN Women tiến hành nghiên cứu này, chú trọng tới 5 lĩnh vực, đó là: Giáo dục, bạo lực trên cơ sở giới, bình đẳng giới trong gia đình, sức khỏe sinh sản và giấy sử dụng đất, kèm theo là 30 chỉ số. Các chỉ số đó sau này sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng, các bên liên quan cũng như các nhà hoạch định chính sách tiếp tục kiểm nghiệm, đánh giá mức độ các luật pháp và chính sách liên quan đáp ứng các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như thế nào.

Bà Nguyễn Thị Tư cũng cho biết, các kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để nâng cao năng lực về giới, làm cơ sở để hoạch định chính sách và pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái DTTS.

Huyền Trang