Hội thảo góp ý Đề cương Đề án Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người

09:41 PM 04/10/2018 |   Lượt xem: 2364 |   In bài viết | 

Ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Phó trưởng Ban thường trực Ban Soạn thảo Đề án chủ trì Hội thảo

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, dự án, chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, chất lượng dân số của các dân tộc rất ít người bộc lộ nhiều hạn chế như: suy thoái giống nòi, tảo hôn và hôn nhân cận huyết; tập quán lạc hậu như sinh đẻ tại nhà, sinh hoạt không hợp vệ sinh; tỉ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực chậm được cải thiện…Ngoài ra, sự phát triển KT-XH của các dân tộc rất ít người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như xuất phát điểm thấp, đời sống khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu, tác động của văn hóa ngoại lai…

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, với mục tiêu “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”, việc nghiên cứu, triển khai xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát triển các DTTS dưới 10 nghìn người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc” là hết sức cần thiết.

Theo dự thảo Đề cương sơ bộ, đối tượng của Đề án là đồng bào dân tộc ít người, sinh sống trên địa bàn 12 tỉnh gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Đề án được chia làm 2 giai đoạn triển khai gồm: giai đoạn 1: 2020-2025 và giai đoạn 2: 2026-2030. Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp triển khai Đề án gồm: Tăng cường công tác truyền thông và nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về công tác bảo vệ và phát triển các dân tộc ít người; hoàn thiện cơ chế, chính sách về dân số; nâng cao hiệu quả hỗ trợ cung cấp chất lượng dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết; đào tạo đội ngũ trí thức DTTS rất ít người; xây dựng mô hình thí điểm nâng cao chất lượng dân số… Nguồn vốn để triển khai Đề án: ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, huy động từ cộng đồng, xã hội hóa, vốn hợp tác quốc tế và lồng ghép việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và các chính sách đặc thù nói riêng.

Toàn cảnh Hội thảo

Đánh giá cao sự chuẩn bị dự thảo Đề cương sơ bộ trong thời gian ngắn của Vụ Địa phương I (UBDT) là đơn vị thường trực trong xây dựng Đề án, các đại biểu tham dự hội thảo đã góp ý vào một số nội dung trọng tâm như: nghiên cứu, làm rõ thêm tên gọi, phạm vi, tính cấp thiết của Đề án; làm rõ khái niệm, nội hàm của bảo vệ và phát triển; xác định các nội dung đánh giá sự tác động, kết quả của một số chính sách cụ thể để làm rõ tính đặc thù, xác định các khoảng trống về chính sách; cập nhật thêm các nội dung mới liên quan đến công tác dân số; công tác rà soát, thống kê, khảo sát số liệu để đánh giá, so sánh. Một số ý kiến đề nghị chọn lọc trọng tâm cho nhiệm vụ và giải pháp để phù hợp với từng đối tượng, từng dân tộc, từng vùng miền; sự tham gia của đại diện 12 tỉnh và các nhà khoa học, dân tộc học vào xây dựng Đề án…

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Quang Đức, Vụ trưởng Vụ Địa phương I cám ơn các ý kiến góp ý rất chi tiết, khoa học và tâm huyết của các thành biên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và các nhà khoa học. Đề nghị các thành viên xây dựng Đề án đến từ các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, cung cấp bổ sung các số liệu, báo cáo, nghiên cứu có liên quan. Ông Nguyễn Quang Đức nhấn mạnh: Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Đề án sẽ chọn trọng tâm, nội dung cụ thể để triển khai, đảm bảo tính khả thi trong thực hiện chính sách. Các ý kiến sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện khung Đề cương sơ bộ của Đề án trước khi trình Lãnh đạo Ủy ban phê duyệt.

Hoàng Hải