Hội thảo tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD và cung cấp thông tin về giới

11:55 AM 29/10/2018 |   Lượt xem: 4826 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Việt Nam gia nhập Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) năm 1982, đã 04 lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Việt Nam coi trọng và nghiêm túc triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Công ước CERD năm 2012 đã nêu ra, tiến hành rà soát toàn diện để xây dựng Báo cáo lần thứ 5, giai đoạn năm 2012 đến 2018.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBDT là cơ quan đầu mối phụ trách Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và chuẩn bị Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD. Để xây dựng Báo cáo, UBDT đã mời Trưởng ban Công ước CERD sang Việt Nam, trực tiếp tập huấn cho các thành viên Ban Soạn thảo. Sau thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, tổng hợp thông tin từ các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, UBDT đã xây dựng dự thảo lần 3 về Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD. Đây là nội dung dự thảo sơ bộ, UBDT tổ chức Hội thảo để tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý đến từ các bộ ngành, địa phương, đại diện cho tiếng nói của người dân của một số cộng đồng dân tộc và một số tổ chức chính trị, xã hội. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị các đại biểu góp ý, làm rõ những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong quá trình thực hiện Công ước cũng như việc triển khai theo các khuyến nghị thời gian qua. Đồng thời chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức, đề xuất, kiến nghị để xây dựng và thực hiện Báo cáo trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của UN Women đánh giá: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tiến xa và đạt được những tiến bộ rất ấn tượng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, tỷ lệ nghèo đói giảm, đất nước hội nhập tốt vào nền kinh tế toàn cầu và mức sống người dân được cải thiện căn bản. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không đồng đều và các nhóm dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng nghèo đói và phân biệt đối xử tại Việt Nam là nhóm người DTTS. Việt Nam đã có những bước đi vững chắc để tạo lập khung pháp luật và chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển toàn diện của các DTTS nhưng các nhóm DTTS vẫn phải đối mặt với các rào cản để có thể thụ hưởng đầy đủ quyền của mình. Hội thảo sẽ là cơ hội để các đại biểu tham gia vào quá trình xây dựng các bước đi mà Việt Nam cần nỗ lực thực hiện để xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử phù hợp với các cam kết quốc tế.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Theo hướng dẫn của Liên hợp quốc, kết cấu của Báo cáo dài 40 trang. Nội dung chính gồm: Thông tin chung về Nhà nước, khuôn khổ chung về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, các thông tin chung về không phân biệt đối xử và bình đẳng, các biện pháp khắc phục hiệu quả tuân thủ với các hướng dẫn. Yêu cầu cập nhật tình hình thực tế thực hiện Công ước, các tiến bộ đạt được, các chỉ số đánh giá việc thực hiện quyền con người; phản hồi các quan ngại do Ủy ban Công ước nêu ra trong kết luận, khuyến nghị và cơ chế cấp quốc gia, sự tham gia của xã hội, dân sự. Dự thảo Báo cáo phải bám sát các khuyến nghị của Ủy ban Công ước CERD năm 2012 như: Ban hành Luật về chống phân biệt đối xử; tuyên truyền phổ biến kiến thức về nội dung Công ước; xóa bỏ định kiến phân biệt đối xử cho quan chức chính phủ; rà soát công tác khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến vấn đề chủng tộc; điều tra và xét xử nghiêm minh các hành vi phân biệt chủng tộc; giải quyết tranh chấp đất đai; bảo vệ bản sắc người DTTS; xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sự thụ hưởng các quyền văn hóa-xã hội, kinh tế; bảo đảm quyền thụ hưởng bình đẳng về giáo dục.

Tại Hội thảo, các đại biểu được trao đổi, thảo luận về các chuyên đề như: Quá trình xây dựng Báo cáo; đánh giá sự phù hợp của định nghĩa phân biệt chủng tộc trong pháp luật Việt Nam và các thiết chế bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS); cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo đảm quyền bình đẳng đối với người DTTS và việc triển khai trong pháp luật; quyền tiếp cận an sinh xã hội, dịch vụ xã hội; thành lập tổ chức nhân quyền quốc gia và các cơ quan giám sát, cơ quan khác nhằm giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc; vai trò của phương tiện truyền thông và biện pháp phổ biến quyền của người DTTS; biện pháp bảo tồn và phát huy văn hóa và truyền thống các DTTS; các biện pháp thực hiện bình đẳng đối với người DTTS trong hoạt động của tòa án và các cơ quan hành pháp, tư pháp; cơ hội và thách thức trong bình đẳng giới của các DTTS…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đề nghị Ban Soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Nội dung cần nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong việc triển khai thực hiện Công ước cũng như các thành tựu của công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ an sinh xã hội, giáo dục-đào tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, thông tin và truyền thông… cho đồng bào DTTS mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Khẳng định rằng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Công ước CERD năm 2012 và làm rõ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Về bố cục, dự thảo Báo cáo cần chỉnh sửa để đảm bảo gọn, tránh trùng lặp, văn phong rõ ràng; cần cập nhật thông tin, số liệu minh chứng trong phụ lục. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tham gia, góp ý để Ban Soạn thảo hoàn thiện dự thảo Báo cáo đúng tiến độ, đảm bảo nội dung đúng theo quy định của Liên hợp quốc.

Dự thảo Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD sẽ được gửi xin ý kiến của các bộ, ban, ngành và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBDT để người dân đóng góp ý kiến, trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kim Hằng