Tọa đàm chính sách dân tộc: Thành tựu và những vấn đề đặt ra

03:34 AM 19/12/2017 |   Lượt xem: 5762 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng phát biểu tại buổi Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn buổi Tọa đàm, TS.Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, cho rằng, vùng DTTS và miền núi đã có những thành tựu phát triển ấn tượng, được ghi nhận không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên trường quốc tế. Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi hiện vẫn đối diện với rất nhiều thách thức. Để phát triển bền vững khu vực này thì cần có những kế sách căn cơ, vẹn toàn; trong đó quan tâm nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tham luận tại Tọa đàm, ông K’Mák, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Đối với sự phát triển của vùng DTTS và miền núi thì phát triển nguồn nhân lực phải được xác định là khâu đột phá. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở vùng DTTS và miền núi hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Và để phát triển nguồn nhân lực DTTS không phải là những vấn đề giải quyết trước mắt mà là cần những giải pháp toàn diện và lâu dài. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực DTTS là hết sức cần thiết. Ngoài ra, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực DTTS phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc.

Đồng tình với quan điểm của ông K’Mák, các đại biểu tham gia Tọa đàm đã bổ sung thêm nhiểu kiến xoay quanh vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng vùng DTTS và miền núi. Theo Nhà giáo nhân dân Nguyễn Khánh Quắc, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, để phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi một cách bền vững, thì cần làm cho toàn xã hội có chung nhận thức rằng: Phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực DTTS và miền núi nói riêng là một trong ba khâu đột phá chiến lược của đất nước. Nhà nước cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm) cho vùng DTTS và miền núi. Chính quyền các cấp cần có chính sách đặc thù đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên vùng DTTS để họ có điều kiện an cư lạc nghiệp lâu dài với sự nghiệp trồng người.

Một bất cập khác trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi hiện nay được các đại biểu đề cập đến là việc không thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng. Như trong lĩnh vực y tế, theo chia sẻ của Bác sỹ Trương Văn Thọ, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, lực lượng bác sỹ ở vùng DTTS và miền núi đang thiếu trầm trọng. Cùng với nguồn lực thực hiện thường thiếu, bố trí không kịp thời thì nguồn nhân lực hạn chế là nguyên nhân khiến không ít các chương trình, dự án, đề án đầu tư, phát triển vùng DTTS và miền núi không đạt hiệu quả trong thực tế triển khai.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Cùng với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu tham gia Tọa đàm cũng đã thảo luận, làm rõ những vấn đề về cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của đội ngũ nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, người có uy tín và phụ nữ là người DTTS. Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, mọi điều kiện hiện còn nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, giao thông đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều... Vì vậy, việc phát huy một cách tối đa vai trò của nhân sỹ, trí thức, người có uy tín, doanh nhân, phụ nữ tiêu biểu trong cộng đồng các DTTS là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào để phát huy vai trò của lực lượng này là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ càng.

Đánh giá chung, ý kiến các đại biểu cho rằng, hệ thống chính sách vùng DTTS so với giai đoạn trước có nhiều ưu điểm, nhưng còn bộc lộ không ít hạn chế, như: Chưa bảo đảm gắn kết thống nhất giữa chính sách phát triển dân tộc với chính sách phát triển vùng; thời gian thực hiện chính sách ngắn, thiếu tính chiến lược; trình tự thủ tục xây dựng và trình một số đề án mất nhiều thời gian; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ; chính sách đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, do vậy hiệu quả chưa thực sự bền vững; nhiều chính sách phải kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến định mức không còn phù hợp với thực tế; có chính sách do huy động nhiều nguồn vốn, khi cấp vốn không đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện;…

Phát biểu tổng kết buổi Tọa đàm, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng khẳng định, cùng với việc phát huy vai trò của đội ngũ nhân sỹ, trí thức, người có uy tín thì phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh: “Qua ý kiến của các đại biểu, chúng ta nhận thức rất rõ ràng vùng DTTS và miền núi còn rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng. Đây là điểm nghẽn trong việc đưa chính sách về cơ sở. Thực tế, ở đâu có đội ngũ nhân lực chất lượng thì việc thực hiện chính sách rất hiệu quả, đời sống của đòng bào các dân tộc được nâng lên”.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được UBDT tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu với Chính phủ xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp hơn. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng đề nghị các địa phương, trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc nói chung cần có những sáng kiến, cách làm hay trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường vai trò của đội ngũ nhân sỹ, trí thức, người có uy tín và phụ nữ DTTS, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng thành phần dân tộc.

Xuân Thường