Tọa đàm khoa học “Định hướng quan điểm, mục tiêu chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030”
05:30 PM 27/09/2018 | Lượt xem: 5173 In bài viết |Sáng 27/9/2018, tại Hà Nội, Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Định hướng quan điểm, mục tiêu chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030”. PGS. TS. Trần Trung, quyền Giám đốc Học viện Dân tộc và TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đồng chủ trì buổi tọa đàm. TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT tham dự tọa đàm, cùng sự tham dự của các nhà khoa học, thành viên nhóm nghiên cứu đến từ các bộ, ngành.
Ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 449/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020. Chiến lược ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu một bước phát triển, đổi mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng chính sách dân tộc. Để có cơ sở thực hiện Chiến lược, ngày 04/12/2013, UBDT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2356/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược. Đến nay, đã có khoảng 45/75 đề án, chương trình chính sách dân tộc giao cho 14 bộ, ngành được hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó 25 đề án đã được ban hành.
Với 5 nội dung quan điểm, 7 nội dung về mục tiêu và 8 nội dung về nhiệm vụ, Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020 đã phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách dân tộc. Qua đó góp phần khắc phục được tình trạng chính sách nhỏ lẻ, ngắn hạn, chồng chéo trong xây dựng và thực hiện chính sách.
Để tổng kết và chuẩn bị đề xuất Chiến lược Công tác dân tộc cho giai đoạn mới, được sự phân công của Lãnh đạo UBDT, Học viện Dân tộc đã thành lập Tổ Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách, với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với ngành công tác dân tộc. Để chuẩn bị cho việc xây dựng Chiến lược, Học viện Dân tộc tổ chức buổi tọa đàm nhằm xin ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý về những nội dung chính trong quan điểm, mục tiêu cho Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2020-2030…
Trong xây dựng Chiến lược, các nhà khoa học đưa ra một số quan điểm như: Kiên trì, nhất quán thực hiện chính sách các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ, đảm bảo ổn định, phát triển và hội nhập; Phát triển toàn diện KT-XH, tập trung vào các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; xây dựng các trung tâm kinh tế, vùng động lực phát triển gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng dân tộc; Phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người DTTS; Huy động mọi nguồn lực để đầu tư, gắn phát triển với giải quyết hài hòa lợi ích giữa các vùng, các dân tộc; Công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của hệ thống chính trị.
TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT trình bầy báo cáo nghiên cứu tại buổi Tọa đàm khoa học
Về phương hướng cho hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030, cần tập trung vào một số trọng tâm như: phát triển nguồn nhân lực; giảm nghèo, an sinh xã hội; phát triển hạ tầng KT-XH vùng dân tộc; khắc phục thiếu đất, thiếu nước, giải quyết việc làm; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; an ninh, quốc phòng, giải quyết hài hòa mối quan hệ dân tộc. Về nhiệm vụ, giải pháp, cần nâng cao nhận thức về dân tộc và chính sách dân tộc; đổi mới nội đung, phương pháp xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc; huy động, đa dạng hóa các nguồn lực; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát; đổi mới nội dung, phương pháp công tác dân vận vùng dân tộc… trong đó phải phân tích và làm rõ vai trò của UBDT, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã trình bầy những thách thức, bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược phát triển KT-XH của một số ngành, đặc biệt là trong xây dựng Chiến lược Công tác dân tộc và quan điểm về đổi mới chính sách dân tộc. Một số ý kiến phân tích, thảo luận về cách tiếp cận, tên gọi, đối tượng; làm rõ tính đặc thù, đúng đối tượng, phù hợp với địa bàn; thay đổi cách tiếp cận, cách làm và huy động nguồn lực; sự tác động của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, hội nhập, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phong trào khởi nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc trong tình hình mới.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, PGS. TS. Trần Trung đánh giá cao và tiếp thu những vấn đề các nhà khoa học nêu ra tại buổi tọa đàm. Về phía Học viện Dân tộc trong thời gian tới sẽ triển khai đánh giá, tổng kết, nhận diện những nguyên nhân, tồn tại của việc thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2013-2020 từ đó tìm ra giải pháp thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030.
Nhiệm vụ xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn mới rất quan trọng, còn nhiều khó khăn, liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành khác nhau. Học viện Dân tộc rất mong các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục quan tâm, đồng hành, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, cùng xây dựng thành công Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030.
Kim Hằng