Phòng ngừa, chấm dứt tảo hôn và kết hôn trẻ em: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

11:20 PM 29/06/2017 |   Lượt xem: 12200 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hà Hùng; bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women và bà Trần Thu Huyền, Trưởng đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu, chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế; tổ chức phi chính phủ; đại sứ quán; đại diện một số Bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao vùng đồng bào DTTS.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng phát biểu tại Hội thảo

 Hội thảo là dịp để xem xét và thảo luận những bài học về các yếu tố và rào cản chính làm cản trở việc phòng ngừa và chấm dứt tảo hôn, kết hôn trẻ em ở Việt Nam. Đồng thời cũng chỉ ra những cơ hội hợp tác đa ngành của các bên liên quan và lồng ghép biện pháp can thiệp chống tảo hôn vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện của Việt Nam, đặc biệt đối với vùng DTTS.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng nhấn mạnh:  Tảo hôn đã làm hạn chế cơ hội học tập của trẻ em gái, làm các em mất đi các cơ hội được đào tạo và tìm được công việc làm ổn định.Tảo hôn là vi phạm quyền trẻ em, nếu xét trên bình diện tổng thể thì tảo hôn còn tác động trực tiếp đến các vấn đề kinh tế - xã hội khác tạo thành một vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo trong đồng bào DTTS. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững vùng DTTS.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ Việt Nam về kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn tại Việt Nam.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ: Chìa khóa để phá vỡ chu trình tảo hôn và kết hôn trẻ em là tăng quyền năng, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái. Mọi phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng bởi kết hôn trẻ em và tảo hôn cần được tiếp cận những dịch vụ có chất lượng về giáo dục và đào tạo, tư vấn về pháp luật và y tế, kể cả tư vấn sức khỏe sinh sản và tình dục, nhà tạm lánh và các dịch vụ xã hội khác. Bà cũng đưa ra đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần có kế hoạch, ngân sách và hoạch định chính sách cụ thể; giám sát việc thực hiện chính sách tại địa phương; đầu tư tăng quyền năng cho trẻ em gái cần được ưu tiên ở mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực.

Nhấn mạnh tới vai trò của trẻ em trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, bà Trần Thu Huyền, Trưởng đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới, đại diện cho các tổ chức phi chính phủ cho biết: Điều quan trọng là cần lắng nghe quan điểm của trẻ em về những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kết hôn trẻ em, cần thu hút cũng như tăng quyền năng cho trẻ em để các em có thể cùng tham gia tìm giải pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt nạn kết hôn trẻ em, đặc biệt là ở các nhóm dân tộc thiểu số.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã chia sẻ một số kinh nghiệm hay về việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, bao gồm cả tình trạng tảo hôn, kết hôn trẻ em ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới; nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng như nghiên cứu trong nước về những yếu tố dẫn đến kết hôn trẻ em ở Châu Á; kết hôn trẻ em ở một số cộng đồng DTTS tại Việt Nam; một số phân tích từ góc nhìn nhân học; kinh nghiệm can thiệp chống tảo hôn hiệu quả của một số địa phương. Những khuyến nghị đưa ra tại Hội thảo sẽ được tổng hợp để có hành động cụ thể cho ngành, lĩnh vực cũng như từng địa phương trong cả nước.

Hội thảo tiến hành đàm thoại: Nhìn lại các biện pháp can thiệp vấn đề tảo hôn ở Việt Nam

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 Khẳng định Hội thảo đã mang lại tầm nhìn sâu sắc, những kinh nghiệm hay, bài học quý, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn sau Hội thảo, Ban Dân tộc các tỉnh tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện, xã vào cuộc quyết liệt để giải quyết vấn đề tảo hôn. Đặc biệt, phải thay đổi nhận thức cho người dân, việc tuyên truyền phải thường xuyên, bền bỉ, lâu dài; phát huy, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; phải tác động bằng thực tế thì mới phá vỡ được hủ tục. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm kiến nghị: Chính phủ cần tham vấn với các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức LHQ tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam. Trong những năm tới cần xác định những địa bàn trọng điểm và một số dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao ưu tiên nguồn lực để giải quyết; các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí để lồng ghép vào các chương trình, chính sách hiện nay.

Xuân Thường - Kim Thu