Nhân rộng mô hình thành công của dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền Tây Nghệ An”

02:37 PM 23/12/2016 |   Lượt xem: 9086 |   In bài viết | 

Các sản phẩm của thanh niên DTTS các huyện miền Tây Nghệ An được giới thiệu tại Hội thảo

Dự Hội thảo có đại biểu đến từ một số Bộ, ngành liên quan; Ban Dân tộc một số tỉnh phía Bắc; các đại biểu phụ trách trực tiếp công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc; một số doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã do người DTTS làm chủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên DTTS các huyện miền Tây Nghệ An” bắt đầu được triển khai từ năm 2013. Với mục tiêu hỗ trợ thanh niên DTTS các huyện miền Tây Nghệ An thực hiện các giải pháp sinh kế mới, để thay thế cho những loại hình sinh kế hiện đang không đem lại tăng trưởng bền vững và không thay đổi vị thế của thanh niên DTTS tại địa phương. Sau 4 năm triển khai dự án (được chia thành hai giai đoạn 2013-2014; 2015-2016), người dân, nhất là đối tượng thanh niên dân tộc đã nhận thức sâu sắc vai trò của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ chỗ chưa biết về quy trình kỹ thuật, cách làm đất, sử dụng phân bón, chăm sóc đến phòng trừ sâu bệnh, thì nay hầu hết các đối tượng thanh niên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn đã chủ động trong việc áp dụng vào sản xuất trồng trọt trên chính diện tích đất đai của mình.

Các nội dung của dự án đã được triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dự án đã hỗ trợ đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, nâng cao năng lực cho thanh niên từ đó tạo công ăn việc làm bền vững cho thanh niên ngay tại địa phương. Sản phẩm đầu ra chính của dự án là 3 mô hình nông nghiệp thành công đã được nhân rộng gồm: Mô hình Chanh leo tại huyện Quế Phong; mô hình trồng cây rễ hương tại huyện Quế Phong và Quỳ Châu; mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và trồng nấm.

Tại Hội thảo, ông Trần Văn Huy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã báo cáo kết quả thực hiện dự án trong giai đoạn 2 (2015-2016) và chia sẻ về một số mô hình thành công của dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền Tây Nghệ An”. Trong giai đoạn 2, dự án được triển khai thực hiện chủ yếu trên địa bàn hai huyện: Quỳ Châu và Quế Phong. Ông Huy cho biết: “Ngoài việc xác định nhu cầu của địa phương, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm, tìm thị trường đầu ra, phát triển HTX do thanh niên làm chủ đều là những khâu quan trọng trong việc phát triển thành công các mô hình sinh kế tại địa phương cho đồng bào các DTTS. Thanh niên khởi nghiệp tại các vùng dân tộc và miền núi là cần câu cơm bền vững và chủ động của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An”.

Ông Cao Hoàng Hải, Bí thư Huyện đoàn Quỳ Châu, Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm tham gia dự án tại Hội thảo

Tại Hội thảo, những kiến thức, kinh nghiệm trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc tại địa phương đã được chia sẻ rộng rãi. Các đại biểu đã đề xuất các mô hình sinh kế và khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tại vùng dân tộc và do thanh niên người DTTS làm chủ cũng như các chính sách phát triển sinh kế và khởi nghiệp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc giai đoạn 2017 - 2020. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận các đề xuất chính sách xây dựng các mô hình sinh kế và khởi nghiệp cho thanh niên DTTS; nâng cao năng lực cho thanh niên DTTS phát triển mô hình sinh kế, vay vốn, kết nối thị trường, việc làm, phát triển hợp tác xã do thanh niên làm chủ, Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 về Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Phương Thúy, đại diện AAV chia sẻ: “Người DTTS, đặc biệt thanh niên DTTS là một trong những đối tượng ưu tiên hỗ trợ của ActionAid Việt Nam. AVV tin tưởng quan hệ hợp tác với UBDT sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.”

Bà Trần Nữ Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT-UBDT cho biết: Hội thảo chia sẻ để nhân rộng mô hình thành công của dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác dân tộc về việc đẩy mạnh sự ra đời của những chính sách khởi nghiệp cho thanh niên DTTS và phong trào làm kinh tế khởi nghiệp cho vùng dân tộc và miền núi. Thông qua Hội thảo, các đại biểu đã xác định được những đóng góp chủ yếu của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo tại vùng DTTS; cùng làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề liên quan, tăng cường nhận thức và sự đồng thuận chung, qua đó góp phần xây dựng lòng tin giữa các bên và tiến thêm một bước trong tiến trình hợp tác, tìm kiếm giải pháp bền vững để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo vùng DTTS của Việt Nam.

Ngọc Ánh