Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN
08:35 PM 18/11/2019 | Lượt xem: 7706 In bài viết |Ngày 18/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 (Sau đây gọi tắt là Đề án) với số phiếu rất cao (432/434 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành). Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với đồng bào DTTS&MN.
Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc
Nghị quyết của Quốc hội Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 chỉ rõ, Đề án được thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào DTTS&MN.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án: Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030. Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc, chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người DTTS…
Đồng thời, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS&MN. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các DTTS có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.
Kết quả biểu quyết thông qua Đề án
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020)
Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), để thực hiện từ năm 2021. Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng Ban thường trực, có sự tham gia của bộ, ban, ngành liên quan để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về Đề án, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 21/10/2019, Chính phủ trình Quốc hội Đề án. Qua thảo luận tại Tổ và Hội trường đã có 77 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu ở Tổ; 27 ý kiến phát biểu tại Hội trường và 06 ý kiến gửi bằng văn bản. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và các nội dung chủ yếu của Đề án. Với yêu cầu phát triển của thời kỳ mới của đất nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng là tập trung cao việc đầu tư phát triển vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng này, chăm lo tốt hơn nữa đời sống đồng bào các DTTS và vùng miền núi; thực hiện Hiến pháp năm 2013, việc Chính phủ trình Quốc hội quyết định chính sách dân tộc càng có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2030, gồm các dự án:
(1) Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt;
(2) Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết;
(3) Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị;
(4) Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc;
(5) Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
(6) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch;
(7) Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em;
(8) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em;
(9) Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn;
(10) Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.