Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững

10:02 AM 20/09/2023 |   Lượt xem: 3233 |   In bài viết | 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì Diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số tập đoàn kinh tế cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Về phía Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự.

Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng quốc gia, các quyết sách của Quốc hội. Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí, tổ chức quốc tế và trong nước, của Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn

Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn cao, cung cấp các thông tin hữu ích, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, nghiên cứu để xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh, quyết liệt, ứng phó kịp thời, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề không chỉ đối với sức khỏe của con người, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và những hệ quả khôn lường.

Trong khó khăn chung của thế giới và khu vực, từ Quý IV năm 2022, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam… có xu hướng chậm lại khi các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hậu quả đại dịch COVID-19 kéo dài; xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; lạm phát cao kỷ lục tại một số nền kinh tế lớn, chính sách tiền tệ của các nước lớn tiếp tục thắt chặt, tăng trưởng kinh tế thấp, tổng cầu yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng; nợ công, thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, bất động sản… tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự Diễn đàn

Các chính sách đề xuất tại Diễn đàn năm 2022 tiếp tục được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, ứng phó kịp thời với tình hình mới; trong đó có Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng, thành lập các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng…; hay cho phép áp dụng thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, một trong những “đầu tầu” quan trọng của nền kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chính nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, chưa từng có tiền lệ thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhìn tổng thể nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, định hạng tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện. Trong 8 tháng đầu năm 2023, thu hút vốn đầu tư FDI , giải ngân đầu tư công, khu vực dịch vụ có chuyển biến tích cực hơn; một số địa bàn công nghiệp trọng điểm phục hồi hoặc duy trì đà tăng nhanh; công tác an sinh xã hội được quan tâm…

Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng thời gian qua, có thể nhận thấy, nền kinh tế đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021 - 2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.

Hạn chế trong xuất khẩu hàng hóa, thu hút FDI, đầu tư công, khu vực công nghiệp và xây dựng, tiêu dùng, dịch vụ, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ đất nước đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách; trong đó nhiều diễn biến mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo. Trong nước, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn… Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó ngay trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài.

Toàn cảnh Diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội cho biết qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự chủ trong phát triển kinh tế. Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng.

Xuất phát từ tình hình đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc, quyết định lựa chọn vấn đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" làm chủ đề cho Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Căn cứ các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 diễn ra với các chuyên đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và chuyên đề: “Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.

Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế

Tại Chuyên đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” các đại biểu đã tập trung thảo luận vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh,…

PGs.Ts. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: Điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng - phát triển tích cực. Tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài.

Những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng, phát triển tích cực

Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. PGs.Ts. Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

PGs.Ts. Trần Đình Thiên cho biết, dưới những áp lực mạnh mẽ của thực tiễn, trong sự đồng thuận phối hợp của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình. Nhiệm vụ là định hình một khung khổ chính sách định hướng “bình thường mới” để thích ứng. Trong những điều kiện đặc biệt khó khăn “hậu Covid” của nền kinh tế thế giới lẫn kinh tế Việt Nam, đây là nhiệm vụ có tính thách thức rất cao.

Gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Việc quan trọng nhất là việc gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp, đặc biệt là tháo gỡ nút thắt thị trường tín dụng, trái phiếu… Cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút nguồn lực FDI. Đây là cơ hội lịch sử khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ… Việt Nam có thế và lực mới, có khát vọng phát triển, cần tiếp cận nguồn lực để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới để tạo hiệu ứng lan tỏa cho phát triển doanh nghiệp bản địa.

Còn ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định: Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống 3,7% trong những tháng đầu năm 2023, nhưng về tương lai, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, nhất là xuất khẩu và tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản. Nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm xuống ảnh hưởng đến thị trường, trong đó có thị trường lao động. Vì vậy, cần có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó cần có các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn

Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới

Tại phiên thảo luận 2 các đại biểu đã thảo luận về vấn đề Nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới.

Trao đổi tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu cho nâng cao năng suất lao động là yếu tố cốt lõi trong giai đoạn hiện nay. Để nâng cao năng suất cần phải chuyển đổi số, áp dụng vào các dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, xây dựng hệ thống máy móc thống minh, linh hoạt, tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Theo đại diện doanh nghiệp Bóng đèn và phíc nước Rạng Đông cho rằng: Việc chuyển đổi số giúp công ty tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực khai thác nguồn lực. Trên các dây chuyền nghiệp vụ, công ty áp dụng các công cụ số, phần mềm thông minh, làm quá trình nghiệp vụ được chuẩn hóa, tối ưu hóa, chính xác hóa, giúp nhân viên nghiệp vụ thoát khỏi các công việc lặp lại nhàm chán, để giải phóng năng lực sáng tạo.

Đồng thời chuyển đổi số mang lại cho khách hàng nhiều lợi thế, nâng cao tương tác. Chuyển đổi số cũng đổi số giúp không chỉ công nhân, kỹ sư mà nhà cung ứng vật tư, kênh phân phối, người tiêu dùng có thể tham gia những ý kiến góp ý, tạo môi trường sinh thái sáng tạo, kết hợp quản lý nguồn lực vật chất và nghệ thuật quản trị tạo mặt bằng tăng trưởng ở mức cao hơn. 

Cũng tại phiên trao đổi, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cũng đã thảo luận làm rõ những vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt là vấn đề bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo đại diện Bộ Lao động Thương binh và xã hội, hiện Quốc hội đang thảo luận 5 chính sách trong Luật Bảo hiểm sửa đổi để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần là một thực trạng rất day dứt. Trong giai đoạn 2016 -  2022, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người…

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời, một phần do hoàn cảnh khó khăn của người lao động…

Về các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt…

Chia sẻ về chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Dự án luật có 05 nhóm chính sách lớn và 11 vấn đề mà Chính phủ đã trình. Ủy ban đã tiến hành thẩm tra nội dung này tại phiên họp lần thứ 10 vừa qua. Tuy nhiên với các chính sách này, cần làm rõ đâu là chính sách thể chế hóa Nghị quyết, đâu là giải pháp tình thế..

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến này. Quan điểm của Ủy ban Xã hội là bất kể chọn phương án nào nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, phải đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội thực sự là giải pháp lâu dài cho người lao động. Còn việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ tính toán các phuơng án kỹ lưỡng để đảm bảo các chính sách an sinh cho người lao động...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng trao đổi về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội.

(baodantoc.vn)