Chuẩn bị thực hiện chính sách lớn với đồng bào các dân tộc
10:48 PM 14/11/2020 | Lượt xem: 2561 In bài viết |Sáng 14/11, tại Lạng Sơn, Đoàn công tác của Chính phủ do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ nhiệm VPCP Cao Huy; đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lạng Sơn.
Báo cáo của tỉnh Lạng Sơn về kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn vừa qua cho biết: Tỉnh đã chỉ đại các cấp, các ngành tổ chức thực hiện khá đồng bộ và kịp thời, có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần phát triển KT-XH, xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Về triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội Khoá 14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành có liên quan tăng cường lồng ghép tuyên truyền nội dung các nghị quyết đến toàn thể cơ quan, tổ chức, cán bộ và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhằm giúp cấp uỷ chính quyền và nhân dân các dân tộc được biết, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận và tổ chức thực hiện chính sách lớn.
Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã rà soát, đề xuất với Uỷ ban Dân tộc các nội dung lập báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đang chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình này trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020: Hoàn thành và vượt 20 chỉ tiêu chủ yếu
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó vượt 18 chỉ tiêu là thành tựu quan trọng tạo tiền đề cho tỉnh phát triển giai đoạn tới và đóng góp vào kết quả tích cực của cả nước.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,45%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (gấp 1,44 lần so với năm 2015). Kết cấu hạ tầng KT-XH, năng lực sản xuất, kinh doanh ngày càng được nâng lên; nông, lâm nghiệp có nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát huy được vai trò kinh tế mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng và đổi mới cơ cấu kinh tế của tỉnh; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện.
Lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại ngày càng hiệu quả; năng lực hội nhập quốc tế được nâng lên.
Ban hành chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Là tỉnh miền núi, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, Lạng Sơn có 3/11 huyện thuộc Chương trình 30a, với 133/200 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu, biên giới và 83 thôn đặc biệt khó khăn với 655.896 người, chiếm 83,8% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn cao (7,89%, cả nước dưới 3%), trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 94,38%.
Do vậy, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương và đề ra một số chính sách đặc thù của địa phương để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc gắn với việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá, Chương trình 135 và Chương trình 30a được triển khai đồng bộ và đạt kết quả khá toàn diện (đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ đồng bào dan tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ...). Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tạo việc làm giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu ở các xã đặc biệt khó khăn. Do thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án và chính sách nên trên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 3,6%/năm.
Công tác giáo dục của tỉnh Lạng Sơn thực hiện chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đủ chỉ tiêu, số lượng. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm đầu tư, phát triển. Thường xuyên rà soát, định hướng cho các học sinh là người dân tộc thiểu số đủ điều kiện để hỗ trợ, xét duyệt, lập danh sách tham gia hệ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả nổi bật. Đã cấp được trên 1,7 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, đạt 100% kế hoạch; trên 97% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine. Người nghèo được hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh thông qua thẻ bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc
Không để nảy sinh các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào với việc vận động, giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách, pháp luật để yên tâm lao động, ổn định cuộc sống, hạn chế di cư tự do, không tin và không tham gia vào các tổ chức bất hợp pháp; không để nảy sinh các “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.
Về triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 của tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tăng cường lồng ghép tuyên truyền nội dung của các Nghị quyết đến toàn thể các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là dân cư nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp cấp ủy, chính quyền, người dân biết, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận, tổ chức thực hiện chủ trương lớn này của Đảng, Nhà nước.
Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc gắn với Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Đã rà soát, đề xuất với Ủy ban Dân tộc các nội dung phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Đang nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ nói trên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém để khắc phục và đề ra các giải pháp thời gian tới.
Là một tỉnh miền núi, kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Kết cấu hạ tầng KT-XH tuy đã được đầu tư xây dựng đáng kể, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, việc huy động nguồn lực từ cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề còn hạn chế. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, xa, biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Kết quả xây dựng nông thôn mới ở mức thấp so với vùng miền núi phía Bắc và mặt bằng chung của cả nước (hiện có 51 xã với 28,18% được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong khi khu vực miền núi phía Bắc đạt 35,13% và cả nước đạt 60,82%).
5 nhiệm vụ, giải pháp lớn của tỉnh Lạng Sơn
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới của tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả một số nội dung lớn sau.
Một là, tổ chức quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa bằng hành động Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2020-2025. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phấn đấu thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu: Phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách so với vùng phát triển.
“Nếu chúng ta đầu tư có hiệu quả, đúng tiến độ, đối tượng thụ hưởng chương trình mục tiêu này theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chắc chắn đời sống của nhân dân sẽ có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Muốn vậy, phải có một lực lượng trẻ được đào tạo, được học hành, khởi nghiệp mạnh mẽ thì việc đầu tư cho hạ tầng, các thiết chế khác sẽ đem lại hiệu quả thiết thực hơn”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Khắc phục cho được những hạn chế, bất cập của chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra trong báo cáo tổng kết chính sách giai đoạn 2016-2019.
Thứ hai, căn cứ vào Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là quản lý, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên.
Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, phải kiên trì, kiên quyết thực hiện các nguyên tắc lớn là: Đại đoàn kết dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo phát triển toàn diện KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.
“Nếu chúng ta không xác định đúng thì có ý kiến cho rằng không cần thiết phải có những chuyên đề bàn sâu về công tác dân tộc vì thực tế đã có số ít địa phương suy nghĩ như vậy”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Thứ tư, là một tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn cần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng” như tội phạm mua bán người, ma tuý, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo. Phải chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc thông qua “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo
Thứ năm, thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II, với trách nhiệm là Trưởng Ban Chỉ đạo, tỉnh tổ chức tốt cho Đoàn Đại biểu của tỉnh tham dự Đại hội vào ngày 02 đến 05 tháng 12 năm 2020, góp phần vào thành công của Đại hội.