Thông tin thị trường giá cả số 32/2021

11:13 AM 05/08/2021 |   Lượt xem: 7452 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Mùa nhặt ươi rừng

Cứ 4 năm một lần, khi đến hè, các cánh rừng ở miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi lại vào mùa ươi chín. Đây là một loại quả đặc biệt dùng để làm thuốc và làm nước giải khát được bán với giá khá cao. Vì vậy, ngay từ đầu vụ bà con các nơi đã đổ về những cánh rừng để lượm, nhặt ươi.

Ươi rừng bán chạy, giá cao

Thông thường mùa ươi bắt đầu từ tháng 6 đến mùa mưa xuống. Năm nay, quả ươi được mùa nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Vì vậy, những ngày qua đã có hàng ngàn lượt người dân đổ xô về các khu rừng ở các xã Sơn Kỳ, Sơn Thượng, Sơn Bao, Sơn Nham (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) hay các huyện Nam Trà My, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam để nhặt ươi lấy hạt bán cho thương lái. Hiện đang mùa cao điểm thu hoạch ươi nên giá quả ươi đạt từ 200.000 – 210.000 đồng/kg, thậm chí lúc cao điểm lên đến 240.000 đồng/kg. Giá bán cao như vậy, hầu hết các hộ dân quanh vùng đều bỏ hết công việc, tranh thủ vào rừng lượm ươi. Thậm chí ngay cả người dân đến từ nhiều địa phương khác cũng vào các khu rừng để lấy hạt ươi. Mỗi chuyến đi lấy ươi thường tổ chức thành một nhóm 5 - 7 người, kéo dài khoảng vài ngày. Hiện tại đang vào chính vụ nên mỗi chuyến đi có thể thu được khoảng vài chục ki-lô-gam tới cả tạ ươi.

Ươi được mùa, được giá cũng kéo theo một đội quân thương lái đông đảo. Chỉ cần ra đến cửa rừng là đã có người đón mua, sau đó bán lại cho các đầu nậu khác. Các chợ ươi tự phát từ đây cũng hình thành. Các thương lái từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai... túc trực sẵn ở cửa rừng, thậm chí chực chờ ở các con đường mòn hoặc vào tận bìa suối chờ người dân ra. Giá ươi tươi bán ngay tại cửa rừng dao động khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm đầu mùa từ 20.000 – 30.0000 đồng/kg.

Bảo vệ rừng cho con cháu mình

Một thương lái thu mua ươi cho biết, năm nay họ không mua loại ươi chặt cành phơi khô vì nếu bị chính quyền phát hiện sẽ bị phạt, tịch thu và đối tác cũng không quan tâm đến loại này dù giá rất rẻ. Ngay cả đồng bào người Giẻ Triêng ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang mỗi khi đi nhặt ươi thấy đối tượng chặt phá cây rừng (trong đó có cả cây ươi) đều báo với cán bộ kiểm lâm và các lực lượng chức năng xử lý, vì họ biết rằng giữ cây ươi cũng là giữ sinh kế cho chính họ và con cháu đời sau.

Ngay đầu mùa ươi, các địa phương đã xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, vận động đến từng thôn để bà con cố gắng bảo vệ cây ươi với hình thức chỉ lượm, nhặt những quả ươi bay. Các hộ, cá nhân muốn lượm ươi đều phải đăng ký với chính quyền địa phương, khi đi qua chốt để vào rừng thì trình “giấy thông hành”. Người địa phương khác đến cũng phải đăng ký tương tự, không có ngoại lệ. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Ban Quản lý đã yêu cầu các Tổ Bảo vệ rừng tiến hành rà soát, thống kê những khu vực phân bố cây ươi trong lâm phận để có biện pháp bảo vệ. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác ươi trái phép. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Sông Thanh cũng tăng cường công tác phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ cây ươi; giúp người dân thấy rõ tầm quan trọng và giá trị kinh tế mang lại của cây ươi để từ đó có sự đồng thuận trong công tác bảo vệ. Địa phương cũng triển khai công tác hướng dẫn người dân cách thức thu lượm hạt ươi bay, điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký thu lượm hạt ươi; nghiêm cấm người dân thu hái hạt ươi xanh, nghiêm cấm đưa dụng cụ, phương tiện vào rừng đặc dụng để khai thác, chặt hạ cây ươi. Ngoài ra, việc phát triển rừng, nhân rộng và phát triển cây ươi bản địa cũng được triển khai bằng hình thức thu mua hạt ươi bay của người dân thu lượm được về ươm giống và cấp lại cho người dân để trồng và bảo vệ.

Ươi là một loại cây rừng thân gỗ, trung bình cứ 4 năm lại cho trái chín 1 lần. Hạt ươi khô khi ngâm với nước thì nở rất to thành một chất nhầy màu nâu nhạt, vị hơi chát và mát, là một vị thuốc Nam có nhiều tác dụng tích cực, giúp thanh nhiệt.

Sóc Trăng:

Giá nhãn giảm - âu lo cho nhà vườn

Hiện nay, bà con các huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, thị xã Vĩnh Châu và Long Phú tỉnh Sóc Trăng đang vào mùa thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng. Năm nay, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên các vườn nhãn đạt năng suất cao nhưng giá bán có xu hướng giảm khiến nhà vườn lo lắng.

Tại huyện Cù Lao Dung mặc dù đang vào mùa thu hoạch chính vụ nhưng giá nhãn xuồng cơm vàng đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Cũng vào thời điểm này, so với những năm trước, giá nhãn xuồng cơm vàng có giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Năm nay, thương lái thu mua tại vườn với giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục từ trước đến nay. Với giá này, người trồng nhãn dự kiến thiệt hại từ 50 - 70%. Hiện hầu hết các vườn nhãn xuồng cơm vàng ở Cù Lao Dung đã chín rộ nhưng có rất ít thương lái đến mua dẫn đến tình trạng rụng trái hàng loạt. 

Tại thị xã Vĩnh Châu hiện còn khoảng 900 tấn nhãn xuồng của bà con đang trong giai đoạn thu hoạch gặp khó khăn trong tiêu thụ. Đầu vụ nhãn xuồng Vĩnh Châu được thương lái đến tận vườn mua với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhưng sau thời gian thực hiện giãn cách, giá nhãn xuồng ở đây giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg nhưng vẫn không có ai mua. Nguyên nhân do vận chuyển khó khăn nên thương lái không thu mua, xuất khẩu ngừng trệ.

Theo Sở Công Thương, hiện tại toàn tỉnh Sóc Trăng có tổng diện tích trồng nhãn khoảng 3.122 héc-ta, diện tích cho trái khoảng 2.536 héc-ta, dự kiến sản lượng khoảng 25.000 tấn đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm nhãn tại địa phương.

Dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp. Do đó, giá các mặt hàng nông sản sẽ bị ảnh hưởng.

Quan Sơn - Thanh Hóa:

Giảm nghèo từ cây vầu

Huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) được thiên nhiên ban tặng cho diện tích rừng vầu rộng lớn với hơn 26.000 héc-ta. Khoảng 10 năm trở lại đây, vầu đã trở thành “cây xóa đói, giảm nghèo” cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Vầu là cây trồng khỏe, không tốn công chăm sóc và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với các cây trồng truyền thống như lúa, ngô, sắn... Hiện diện tích rừng vầu có ở hầu khắp các xã, thị trấn ở huyện biên giới Quan Sơn. Tuy nhiên, diện tích rừng tập trung nhiều nhất ở các xã khu vực biên giới như: Tam Thanh, Mường Mìn, Na Mèo, Tam Lư. Hiện nay, rừng vầu của huyện biên giới Quan Sơn đã trở thành vùng nguyên liệu lớn cung cấp cho nhà máy, cơ sở sản xuất. Đây cũng chính là nguyên nhân đưa cây vầu lên ngôi so với cây luồng, cây nứa ở khu vực miền núi trong tỉnh. Nhờ đó, đồng bào dân tộc nơi đây có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Trung bình một ngày, một lao động địa phương có thể khai thác từ 30 đến 40 cây vầu trở lên, tương đương từ 2 đến 3 tạ nan thanh. Hiện tại, 1 kg nan thanh có giá thu mua khoảng 1.700 đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày vào rừng khai thác vầu, người dân địa phương có thu nhập từ 340.000 - 500.000 đồng. Đối với những người có sức khỏe có thể khai thác vầu được nhiều hơn, thu nhập cũng sẽ cao hơn. Sau khi khai thác, chẻ thành nan, người dân dùng xe máy vận chuyển tập kết dọc Quốc lộ 217 để chờ thương lái đến thu mua. Với thu nhập ổn định từ khai thác cây vầu tự nhiên, nhiều hộ dân trong huyện Quan Sơn đã thoát được nghèo, đời sống nâng lên.

Tuy nhiên, để rừng vầu tự nhiên không rơi vào tình trạng suy kiệt, hàng năm khi cây vầu vào mùa sinh măng (tháng 9 và tháng 10), huyện Quan Sơn đều chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm cấm người dân vào rừng khai thác. Đồng thời, triển khai Đề án “phục tráng và chăm sóc rừng vầu” để vầu tiếp tục phát triển và trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá lúa tương đối ổn định

Trong tuần qua, nhìn chung giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định, không có nhiều biến động. Tại Sóc Trăng, giá lúa tương đương so với tuần trước, như: RVT là 7.450 đồng/kg, OM4900 là 8.000 đồng/kg… Riêng Đài thơm 8 là 8.000 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với tuần trước; ST24 là 8.250 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Còn tại Trà Vinh, lúa IR50404 có giá 6.900 đồng/kg, OM4900 là 7.000 đồng/kg, tương đương tuần trước. Giá lúa tươi trên địa bàn tỉnh An Giang cũng ổn định như: IR50404 là 5.100 - 5.300 đồng/kg; lúa Nhật là 7.500 - 7.600 đồng/kg, OM 5451 là 5.700 - 5.750 đồng/kg, OM18 là từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, riêng Đài thơm 8 từ 6.000 - 6.200 đồng/kg, giảm nhẹ 200 đồng/kg. Ngoài ra, nếp tươi Long An có giá từ 4.400 - 4.600 đồng/kg. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ thu hoạch để đảm bảo mùa vụ tiếp theo. Đồng thời, triển khai hệ thống chế biến, tiêu thụ, đảm bảo nông sản không bị ách tắc nhiều như những ngày trước đây.

Thương lái tạm ngừng thu mua dê thịt

So với cách nay hơn 1 tháng, giá dê thịt (dê hơi) tại nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm gần 50% và rất khó tìm đầu ra do phần lớn thương lái đã tạm ngừng đi thu mua. Tại nhiều địa phương như Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh… giá dê hơi (loại 35 - 38 kg/con) chỉ còn trên dưới 80.000 đồng/kg, trong khi trước đây có giá lên đến 150.000 đồng/kg. Nguyên nhân do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nhà hàng, quán ăn phải tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh nên nhu cầu tiêu thụ thịt dê sụt giảm nghiêm trọng.

Giá dê hơi giảm mạnh và khó tiêu thụ đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi dê, nhất là những hộ nuôi với số lượng lớn phải cho dê ăn thêm bằng các loại thức ăn công nghiệp. Dê đã tới lứa nhưng không bán được, người dân vừa tốn thêm chi phí tiền thức ăn, vừa lo dê quá lứa sẽ khó bán được giá.

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Giá heo hơi giảm do khó khăn trong vận chuyển

Giá heo hơi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm mạnh, hiện đang ở mức 51.000 – 55.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 – 12.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, người chăn nuôi gặp khó do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao. Nguyên nhân khiến giá heo hơi giảm mạnh là do thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam khiến khâu vận chuyển, thu mua gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, hiện một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận tạm thời đóng cửa do liên quan tới dịch bệnh, khiến sức tiêu thụ cũng giảm.

Hậu Giang:

Giá chôm chôm giảm một nửa

Thành phố Ngã Bảy là vùng chuyên canh chôm chôm lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Thời điểm này, chôm chôm đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng giá giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá bán chôm chôm thường chỉ còn 6.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 15.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với năm ngoái. Đặc biệt, sức tiêu thụ yếu, thương lái không mặn mà thu mua. Nhiều vườn trái chín rục bà con đành để không, không thu hoạch. Hiện địa phương đang vận động bà con cắt mang ra chợ, liên hệ thương lái gần Ngã Bảy để bán.

Chư Sê - Gia Lai:

Ðẩy mạnh tái canh cà phê

Là huyện có diện tích cà phê khá lớn của tỉnh Gia Lai, Chư Sê luôn xác định, tái canh diện tích cà phê già cỗi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.

Những năm qua, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Chư Sê, góp phần giảm nghèo và từng bước cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn huyện đã già cỗi dẫn đến năng suất, sản lượng ngày càng giảm mạnh. Chính vì thế trong 5 năm qua, Chư Sê đã triển khai nhiều giải pháp để vận động bà con thực hiện hiệu quả chương trình tái canh cà phê. 

Giai đoạn 2016 - 2020, từ các nguồn vốn khác nhau, huyện đã hỗ trợ người dân hơn 4,7 tỷ đồng để mua hoặc cấp giống cà phê miễn phí cho người dân thực hiện tái canh. Ðồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn tái canh cà phê với định mức 150 triệu đồng/héc-ta. Nhờ đó, sau 5 năm triển khai, huyện đã hỗ trợ người dân tái canh được hơn 1.683 héc-ta cà phê, đạt 112% kế hoạch tỉnh giao và 104% kế hoạch của huyện. Những diện tích cà phê tái canh trên địa bàn huyện đều có tỷ lệ sống cao, cây sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh hại không đáng kể. Một số diện tích đã cho thu hoạch với năng suất, chất lượng cà phê được các hộ dân đánh giá cao. Các hộ dân đăng ký thực hiện tái canh được hỗ trợ giống cà phê chất lượng cao, được hướng dẫn kỹ thuật làm đất, phơi ải, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Năm nay, huyện Chư Sê sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân tái canh khoảng 300 héc-ta cà phê với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ hơn 764 triệu đồng, người dân đối ứng hơn 260 triệu đồng. Để thực hiện có hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương vận động, hướng dẫn người dân quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê phù hợp với thực tế địa phương. Khuyến cáo người dân sử dụng các giống cho năng suất cao và chất lượng tốt như: TRS1, TR4, TR9… góp phần từng bước nâng cao năng suất và chất lượng vườn cà phê.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cảnh báo một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đảm bảo chất lượng

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, hiện có một số sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân lấy danh nghĩa tặng quà tặng từ thiện nhưng thực chất là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mạo danh cơ quan y tế, cơ quan quân đội, công an, thậm chí quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng có thể chữa tiểu đường, huyết áp, xương khớp,… Từ thực trạng trên, Bộ Y tế khẳng định không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào chữa được bệnh, thay thế được thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc bán trôi nổi trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, khi mua các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, trong đó có thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế phải yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn bán hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên.   

Tạm giữ 29 tấn khoai tây Trung Quốc chuyển vào Đà Lạt

Phòng kinh tế TP. Đà Lạt phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Lạt kiểm tra 2 xe container đang từ quốc lộ 20 đi qua khu vực tổ Sào Nam (P.11, TP. Đà Lạt). Qua kiểm tra cho thấy xe container chở 29 tấn khoai tây nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc chở từ tỉnh Lào Cai vào TP. Đà Lạt.

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế và chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn giá trị gia tăng. Do vậy, toàn bộ số khoai tây không có giấy tờ mua bán hợp lệ đã bị tạm giữ để tiếp tục điều tra. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

HÀNG VIỆT

Cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La”

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” cho UBND tỉnh Sơn La. Đây chính là cột mốc khẳng định danh tiếng và chất lượng nông sản của tỉnh Sơn La, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng cho việc cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Những năm qua, nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La. Năm 2021, tỉnh Sơn La có gần 20.000 héc-ta tập nhãn trung tại các huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… với sản lượng ước đạt 98.500 tấn. Trong đó, 2.200 héc-ta nhãn đủ điều kiện xuất khẩu với sản lượng gần 22.000 tấn sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, Châu Âu… Riêng tại huyện Sông Mã có trên 7.200 héc-ta nhãn, trong đó gần 5.900 héc-ta đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.

Hiện nay, nhãn Sơn La đã bắt đầu vào mùa thu hoạch nhưng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến việc xuất khẩu, tiêu thụ nhãn. Do vậy, ngay từ đầu vụ, Sơn La đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để lựa chọn các sản phẩm có chất lượng xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nhãn Sơn La.

Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” đã khẳng định danh tiếng và chất lượng nông sản của tỉnh. Qua đó, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Việc bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nhãn tươi, long nhãn được kỳ vọng là công cụ hữu hiệu để phát triển thương hiệu, nâng cao vị thế, qua đó phát triển vùng chuyên canh trồng, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng cần khai thác lợi thế độc quyền đối với sản phẩm đặc sản; quảng bá, tiếp thị và bảo vệ tốt thương hiệu “Nhãn Sơn La” trên thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Sơn La là một trong những tỉnh năng động, có nhiều hoạt động nổi bật trong công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh để phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. Theo thống kê, đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó bao gồm: Chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn của huyện Yên Châu; cà phê Sơn La); 12 nhãn hiệu chứng nhận (chè Ôlong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, táo Sơn Tra, bơ Mộc Châu, na Mai Sơ, chè Phổng Lái Thuận Châu, nếp Mường và Sốp Cộp, bơ Sơn La, xoài Sơn La, cá Sông Đà Sơn La, cá tầm Sơn La, rau an toàn Sơn La, chanh leo Sơn La, mận Sơn La); 3 nhãn hiệu tập thể (mật ong Sơn La, chè Tà Xùa Bắc Yên, khoai sọ Thuận Châu?.