Khi nguồn vốn được đầu tư hiệu quả

10:27 AM 18/08/2016 |   Lượt xem: 3036 |   In bài viết | 

Người dân xã vùng sâu Pù Nhi giờ đã có nước sạch để sinh hoạt

Từ hoàn thiện dần cơ sở hạ tầng...

Xác định xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ, nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ lâu dài, trọng tâm, thời gian qua, Điện Biên Đông đã tranh thủ nguồn vốn Chương trình 135, cùng các nguồn vốn khác, đẩy mạnh phát triển KT - XH theo hướng bền vững, giúp cho nông dân có thu nhập.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2013 - 2016, nguồn kinh phí từ Chương trình đã góp phần thay đổi bộ mặt KT - XH, nông thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo động lực mạnh giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Trưởng phòng Dân tộc huyện Mùa A Tủa cho biết: Từ nguồn vốn chương trình huyện được phân bổ 38.438 tỷ đồng, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi bản đặc biệt khó khăn trong các xã đặc biệt khó khăn, nhu cầu của người dân trong bản, nguồn kinh phí được phân bổ, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ sở theo quy định.

Trong năm 2013, huyện đầu tư xây dựng 14 công trình hạ tầng cơ sở. Năm 2015 - 2016, huyện đầu tư xây dựng 12 công trình. Hiện, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện quốc gia lên trên 80%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó có 10/14 xã đi được cả 2 mùa; tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, y tế thôn, công trình thủy lợi tăng lên.

Trưởng bản Pá Cá (xã Phình Giàng) Vàng Chứ Tà cho biết: Năm 2013, bản được đầu tư 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 xây dựng đường điện lưới quốc gia. Là bản vùng cao xa xôi, hẻo lánh, trước đây cả bản chưa có điện, ban đêm cả bản chìm trong bóng tối. Pá Cá như tách biệt với thế giới bên ngoài. Từ ngày có công trình điện lưới quốc gia đi qua, bà con được xem vô tuyến, nắm bắt được thông tin, nâng cao hiểu biết xã hội, hiểu biết pháp luật. Nhờ ánh sáng điện lưới, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn mua sắm đồ điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

... đến thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Không chỉ làm thay đổi diện mạo KT - XH, từng bước cải thiện đời sống của đồng bào, giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo…, nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135 còn góp phần quan trọng nâng cao trình độ dân trí, thay đổi tập quán và mô hình sản xuất, từ sản xuất trên nương mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất dưới ruộng cho năng suất cây trồng cao, ổn định.

Trưởng bản Nà Nếnh C, xã Pú Hồng Mùa Chà Giàng cho biết: Từ bao đời nay, người dân trong bản sản xuất trên nương, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nhiều năm mất mùa do hạn hán và thú rừng phá hoại nên sản lượng lương thực thu được rất thấp, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ ngày có hỗ trợ từ Chính phủ thông qua nguồn vốn Chương trình 135, hệ thống thủy lợi được xây dựng trên địa bàn xã đã giúp bà con khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng, gieo cấy lúa nước. Có ruộng sản xuất, có đủ gạo ăn, người dân cũng bớt hẳn chuyện phá rừng làm nương canh tác. Lúa nước năng suất cao, sản xuất được lâu dài, tốn công sức ít hơn nên người dân phấn khởi lắm.

Chương trình 135 với mục đích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân các bản, xã đặc biệt khó khăn những năm qua đã phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống, tạo động lực mạnh mẽ cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 37%, lương thực bình quân đầu người đạt 458kg/năm. Toàn huyện có 5/14 xã đạt chuẩn y tế quốc gia, 89% số bản có y tá bản; 70% hộ gia đình, thôn bản đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ được phủ sóng truyền hình vệ tinh và phát thanh trung ương đạt 100%.

Về Điện Biên Đông thời điểm này mới thấy giá trị từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135 của Chính phủ. Các sản phẩm do người dân vùng cao huyện Điện Biên Đông làm ra giờ đã đến được với người tiêu dùng miền xuôi. Người dân sống trên những bản, làng xa xôi hay dưới những thung sâu đã không phải đi bộ hàng ngày đường để đưa con đến trường hay đi khám bệnh, điều trị ở bệnh viện. Thông tin khoa học, kỹ thuật, các phương pháp trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, chính sách pháp luật của nhà nước hàng ngày được bà con cập nhật qua tivi. Những nguồn nước mát từ các khe suối không còn chảy phung phí mà đã được tưới cho ngô, lúa, chảy vào ao cá nhờ kênh dẫn nước đã được bê tông hóa. Chương trình 135 mang sức sống no ấm, giúp người dân vùng đặc biệt khó khăn Điện Biên Đông vượt qua gian khó, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. 

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Mùa A Tủa: Ngoài nguồn vốn từ Chương trình 135, Điện Biên Đông cũng thực hiện các dự án hỗ trợ bằng việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như: 134, 30a. Hiện tiêu chí của Chương trình 135 đã được nâng cao hơn, là điều kiện tốt để các xã phấn đấu ra khỏi xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, để giảm khoảng cách với khu vực đồng bằng, đô thị, đặc biệt là đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ Chương trình 135, chương trình xây dựng NTM, cần huy động nhiều nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân và cán bộ, đảng viên về việc phấn đấu thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; xây dựng các chương trình, dự án phải cụ thể ở từng xã và hướng vào các tiêu chí còn thiếu để tiếp tục thực hiện.

 

Theo: Ngọc Tuân