Trích - Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi - 1-9-1962
02:35 PM 31/10/2015 | Lượt xem: 3742 In bài viết |Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Cuộc vận động hợp tác hoá kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ là nhằm thực hiện tốt hai điều đó.
Về số người thì đồng bào miền núi chiếm 1 phần 5 tổng số nhân dân nước ta. Miền núi chiếm 2 phần 3 tổng số diện tích nước ta và có hơn 3.000 cây số biên giới. Tục ngữ ta có câu "Rừng vàng, biển bạc", câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta.
Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến, đồng bào miền núi đã có nhiều công trạng vẻ vang và oanh liệt. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh để thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, đồng bào miền núi đang cố gắng góp phần xứng đáng của mình.
Do sự cố gắng của đồng bào và cán bộ, cuộc vận động ấy đã thu được kết quả khá. Vài ví dụ:
Trước kia, miền núi thường bị đói kém, thường thiếu lương thực. Nay có nhiều vùng sản xuất lương thực đã tăng, đã biến thiếu lương thực thành đủ lương thực, biến đói thành no.
Trước kia, dưới chế độ thối nát của thực dân và phong kiến, hơn 95% nhân dân miền núi bị mù chữ. Nay nhờ sự săn sóc của Đảng và Chính phủ, đại đa số đồng bào đều biết đọc biết viết, nạn mù chữ gần được thanh toán. Đồng bào Thái, Tày, Nùng và Mèo đã có chữ của mình.
Miền núi đã tiến bộ khá và có những kiểu mẫu tốt, như:
- Hải Ninh vừa chú trọng trồng lúa, vừa trồng hoa màu, cho nên vài năm nay chẳng những đã tự túc được lương thực, mà còn có lương thực bán vượt mức cho Nhà nước.
(...)
- Các huyện Quỳ Châu và Nghĩa Đàn (Nghệ An) làm nghề rừng khá.
- Thái Nguyên đã có 30 cơ sở công nghiệp địa phương và 67 hợp tác xã thủ công, phần nhiều để phục vụ nông nghiệp.
- Hoà Bình có sáng kiến tổ chức trường thanh niên xã hội chủ nghĩa, vừa lao động để tự túc, vừa học tập để trở nên cán bộ địa phương. Trường này, đang phát triển tốt.
Ở Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua, trong số 50 hợp tác xã được tặng danh hiệu tiên tiến, thì có 16 hợp tác xã của miền núi. Trong số 9 hợp tác xã được tặng cờ thì có 2 hợp tác xã của miền núi là Cao Đa (Tây Bắc) và Tân Tiến (Thái Nguyên).
Hợp tác xã Cao Đa, mỗi xã viên mỗi năm bình quân làm được 170 ngày công, thu nhập mỗi người được gần 420 cân thóc. Hầu hết xã viên đều đã thoát nạn mù chữ.
Hợp tác xã Tân Tiến, vụ mùa năm ngoái mỗi mẫu tây thu được 2.900 cân thóc. Mỗi xã viên được chia hơn 770 cân thóc và gần 700 cân hoa màu. (Năm 1958 chưa có hợp tác xã, mỗi mẫu tây chỉ thu được 1.225 cân thóc).
Miền núi có 64 chiến sĩ thi đua nông nghiệp và 4 anh hùng là các đồng chí: Nguyễn Thị Khương (dân tộc Mường, Hoà Bình); Lò Văn Muôn (dân tộc Thái, Tây Bắc); Bàn Văn Minh (dân tộc Dao, Tây Bắc); Châu Vồ Mủn (dân tộc Hán, Hải Ninh).
Trên đây là những người tốt, tập thể tốt, kinh nghiệm tốt mà đồng bào cần phải học tập và thi đua làm theo, để tiến bộ hơn nữa.
Bên những ưu điểm nói trên, miền núi cũng có những khuyết điểm và thiếu sót mà cán bộ và nhân dân cần phải kiên quyết sửa chữa, như:
- Việc chăn nuôi trâu bò và trồng cây công nghiệp là những nguồn lợi lớn cho nhân dân, nhưng phát triển còn chậm, cần đẩy mạnh hơn nữa.
- Nghề rừng phải có kế hoạch chu đáo, phải chấm dứt tình trạng khai thác bừa bãi như hiện nay.
- Về hợp tác xã, nhiều nơi quản lý chưa được tốt. Quản lý tốt thì hợp tác xã phát triển tốt và ngày càng củng cố. Quản lý kém thì xã viên không phấn khởi, không đoàn kết và hợp tác xã không phát triển được. Vì vậy phải ra sức cải tiến việc quản lý của các hợp tác xã. Ban quản trị phải thật dân chủ, thật công bằng, một lòng một dạ phục vụ lợi ích của xã viên và của hợp tác xã.
Quy mô hợp tác xã không nên quá to, quá to thì khó quản lý. Cũng không nên quá nhỏ, quá nhỏ thì sức người ít, khó phát triển. Nên tuỳ theo điều kiện mỗi địa phương, mỗi hợp tác xã, nhỏ thì độ 20 đến 30 hộ, to thì độ 50, 60 hộ. Như thế là vừa. Những nơi có nhiều dân tộc cùng trong một hợp tác xã thì phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết tốt thì sản xuất mới tốt.
Các hợp tác xã của những đội vỡ hoang, từ miền xuôi đến, vì người đông hơn và tập trung hơn, cho nên quy mô có thể to hơn.
Các hợp tác xã vỡ hoang, các nông trường và lâm trường của Nhà nước, cần phải đoàn kết và giúp đỡ đồng bào địa phương, cần phải làm đúng chính sách của Đảng về vấn đề dân tộc.
Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là: động viên và lãnh đạo đồng bào miền núi ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, nhằm trong khoảng mươi năm nữa (tức là hai kế hoạch 5 năm) sẽ đạt mục đích sau đây:
Nhân dân no ấm hơn, mạnh khoẻ hơn.
Văn hoá sẽ cao hơn. Giao thông tiện lợi hơn.
Bản làng vui tươi hơn. Quốc phòng vững vàng hơn.
Phải làm gì để đạt mục đích đó?
Muốn đạt mục đích đó, chúng ta phải củng cố tốt và phát triển tốt các hợp tác xã của nhân dân, các nông trường và lâm trường của Nhà nước.
Phải phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Tuỳ điều kiện của mỗi địa phương mà trồng nhiều lúa và nhiều hoa màu để bảo đảm lương thực cho nhân dân và nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Phải chọn giống tốt, dùng nhiều phân, kịp thời vụ. Phải đẩy mạnh việc cải tiến công cụ, chống xói mòn.
Phải đẩy mạnh ngành chăn nuôi, nghề rừng và phát triển cây công nghiệp.
Phải kết hợp chặt chẽ: công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp; sản xuất và chế biến, thương nghiệp và giao thông.
Phải đề phòng sâu bệnh, thú rừng, châu chấu, v.v..
Phải phân phối cho tốt sức lao động ở địa phương và khuyến khích đồng bào miền xuôi lên vỡ hoang.
Phải chú trọng bình dân học vụ và bổ túc văn hoá.
Phải đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh, để giữ gìn sức khoẻ của đồng bào.
Phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân, giáo dục cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ và nghĩa vụ giữ gìn trật tự trị an, nghĩa vụ bảo vệ bản làng và Tổ quốc.
Về lãnh đạo. Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác. Vì vậy, áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội.
Phải ra sức củng cố tốt và phát triển tốt chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên. Luôn luôn nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và lập trường giai cấp của đảng viên và đoàn viên. Ra sức bồi dưỡng cán bộ địa phương, cán bộ phụ nữ và cán bộ xã về mọi mặt.
Lãnh đạo phải có quyết tâm; phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến những nghị quyết của Đảng thành lực lượng của nhân dân.
Mỗi ngành, mỗi bộ ở trung ương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi.
Nghị quyết của Trung ương và của Hội nghị này đã nói rõ những việc phải làm. Bác chỉ tóm tắt nhắc lại mấy điều quan trọng.
Nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên là phải làm gương mẫu trong mọi công tác, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào miền núi.
Bác mong các cô, các chú thi đua làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó. Ai có thành tích xuất sắc nhất thì sẽ được thưởng.
Mừng Hội nghị thành công và nhờ các đại biểu chuyển cho đồng bào, bộ đội, công an, dân quân và cán bộ miền núi lời chào thân ái của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của Bác.
Nói ngày 1-9-1962
(Hồ Chí Minh toàn tập, t.10, tr. 608 - 612.)