Trích - Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (14/12/1976)

03:14 PM 31/10/2015 |   Lượt xem: 4482 |   In bài viết | 

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

V. TĂNG CƯỜNG NHÀ NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, PHÁT HUY VAI TRÒ CÁC ĐOÀN THỂ, LÀM TỐT CÔNG TÁC QUẦN CHÚNG

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam

Trong những năm chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng bào các dân tộc ít người đã có những cống hiến vẻ vang vào sự nghiệp cách mạng chung. Những thành tích to lớn trong sản xuất và chiến đấu, sự tiến bộ về mọi mặt của các dân tộc ít người, tình đoàn kết ngày càng củng cố giữa các dân tộc là kết quả rực rỡ của chính sách dân tộc của Đảng. Nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là ra sức tăng cường khối đoàn kết không gì lay chuyển nối giữa các dân tộc trong cả nước, phát huy tinh thần cách mạng và năng lực sáng tạo của các dân tộc ít người trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, tạo những điều kiện cần thiết để xoá bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hoá giữa dân tộc ít người và dân tộc đông người, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao tiến kịp vùng thấp, làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đều phát triển về mọi mặt, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,

Để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, vấn đề mấu chốt là đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, ra sức phát triển kinh tế và văn hoá ở các vùng dân tộc, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng các vùng kinh tế mới, các khu công nghiệp, mở mang giao thông vận tải và thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, y tế, thể dục thể thao, bảo vệ và mẹ và trẻ em, v.v.... nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào các dân tộc ít người, đặc biệt chú trọng vùng cao và vùng biên giới. Đảng và Nhà nước cần có những chủ trương, chính sách cụ thể khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội ở các vùng dân tộc; có chế độ đãi ngộ thích đáng cho những cán bộ và công nhân công tác ở những khu vực có nhiều khó khăn; tích cực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc ít người trong tất cả các lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, trước hết chú trọng cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý kinh tế.

Phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho đồng bào các dân tộc, đông người cũng như ít người, hiểu rõ rằng cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc của tất cả các dân tộc gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; tất cả các dân tộc đều có khả năng, có nghĩa vụ đem hết sức mình đóng góp vào sự nghiệp vẻ vang ấy. Trong Đảng cũng như trong nhân dân, phải tiếp tục phê phán, khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tâm lý kỳ thị dân tộc còn rơi rớt lại những khuynh hướng biệt phái, chia rẽ dân tộc, trái với chính sách dân tộc của Đảng. Chi bộ, đảng bộ cơ sở, các cấp uỷ Đảng, các cơ quan chính quyền và đoàn thể phải thấu suốt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng. Phải hiểu thấu đáo điều kiện sinh hoạt, tâm lý, tình cảm của các dân tộc, tôn trọng phong tục, tập quán, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hoá tiến bộ của các dân tộc ít người. Tích cực lãnh đạo, hướng dẫn đồng bào các dân tộc xây dựng nếp sống văn minh, khoa học, sửa đổi và bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, có hại đến sự nghiệp phát triển kinh tế mới, văn hoá mới và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở các vùng dân tộc. Đối với những phong tục, tập quán lạc hậu, trái khoa học, mang tính chất mê tín, dị đoan, đương nhiên cần phải sửa đổi, nhưng phải tiến hành dần bằng cách tuyên truyền, thuyết phục quần chúng, kiên nhẫn chờ đợi quần chúng, tuyệt đối không dùng biện pháp mệnh lệnh, thô bạo.

(Văn kiện của Đảng và Nhà nước về Chính sách Dân tộc (1960-1977),Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1978, tr. 46-47)